Mô hình trồng hoa màu sạch của gia đình anh Võ Thanh Cần.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, huyện Dương Minh Châu đã tạo được những bước phát triển mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn huyện đã có những ứng dụng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bánh tráng, làm nhang…
Thời gian qua, cơ sở sản xuất bánh tráng Thu Vân (xã Phan) đã đầu tư máy móc, thiết bị từ khâu trộn bột, tráng, hấp, cắt bánh… nâng cao gấp nhiều lần năng suất lao động so với cách làm thủ công.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, chủ cơ sở sản xuất này cho biết: “Trước đây, tráng bánh thủ công rất vất vả, năng suất không cao, chất lượng bánh không đồng đều. Khi ứng dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, năng suất cao hơn, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Vì vậy, cơ sở chúng tôi bán bánh tráng được nhiều hơn, kể cả khách hàng ngoài tỉnh”. Hiện mỗi ngày, cơ sở này sản xuất được từ 500 - 600kg bánh tráng thành phẩm, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động.
Trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan chức năng đã đưa các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, giống đậu phộng mới năng suất cao thay thế giống cũ đã thoái hoá; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác và chăn nuôi cho người dân; phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác xúc tiến xây dựng mô hình liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Hiện trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, như bao tiêu sản phẩm trái mãng cầu của hội viên Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá; bao tiêu trái ổi ruột đỏ và một số loại rau củ quả như cà, ớt, dưa leo, bí đỏ… cho hội viên Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh…
Đặc biệt, trong quá trình ứng dụng KHCN vào sản xuất, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu đã hình thành một số mô hình trồng hoa màu sạch như hộ anh Võ Thanh Cần (ngụ xã Cầu Khởi), mỗi vụ cho lợi nhuận từ 55 - 60 triệu đồng.
Những mô hình mới, hiệu quả đã giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Hiện tại, ở các vườn cây ăn trái, nông dân đã ứng dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt tự động; cơ giới hoá 100% khâu làm đất, thu hoạch lúa; nhiều trang trại chăn nuôi khép kín theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, được bảo đảm đầu ra và an toàn vệ sinh môi trường.
Cách đây 3 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Ngò (ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh) đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, cam, quýt, áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt, đạt hiệu quả cao.
Ông Ngò cho biết, sau khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần mở van, hệ thống tự động tưới đồng loạt cho vườn cây, không phải mất tiền thuê nhân công, giảm chi phí bón phân, tiết kiệm được hơn 50% khối lượng nước. Đồng thời năng suất, chất lượng trái của vườn nhà vượt trội so với phương pháp tưới truyền thống.
Thời gian tới, huyện Dương Minh Châu xác định ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. UBND huyện xác định một số giải pháp để phát triển sản xuất như: quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn; xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng, chủ lực của huyện; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất.
Theo Báo Tây Ninh Online