HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU: Sẽ tập trung đầu tư vào các tuyến đường nông thôn trọng điểm

Thứ ba - 11/07/2017 11:00 100 0
Năm 2016, UBND tỉnh phân khai cho huyện Dương Minh Châu khoảng 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn các xã, trong đó ưu tiên trên vùng đất trồng lúa.

Sẽ tập trung đầu tư vào các tuyến đường nông thôn trọng điểm

Một tuyến đường nông thôn thuộc ấp Phước Tân 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu hư hỏng nặng

Bà Dương Thị Nguyễn có nhà ở cặp đường nông thôn thuộc ấp Phước Tân 2, xã Phan cho biết: “Con đường này đã hư hỏng, xuống cấp nhiều năm qua, mưa xuống mặt đường sình lầy gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, vì con đường này chưa có hệ thống thoát nước, năm nào cũng vậy, mùa mưa đến là nhà tôi cũng như nhiều nhà khác ở ven đường bị ngập nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Bà con nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm nâng cấp đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, hoạt động sản xuất”.

Tương tự, con đường đất đi Bàu Tràm thuộc ấp Phước Tân 3, xã Phan, mới nâng cấp chưa được 3 tháng lại tiếp tục hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người đi đường và công việc vận chuyển nông sản của người dân.

Một vị lãnh đạo UBND huyện cho biết, theo Nghị định số 35/NÐ-CP ngày 13.4.2015 về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó quy định nguồn vốn đất lúa ngoài việc thực hiện đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, còn phải thực hiện chi vào các nội dung quan trọng khác như quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao phù hợp quy hoạch; lập kế hoạch sử dụng đất, công bố công khai để thực hiện; phân tích chất lượng hoá, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.

Ðồng thời còn dùng để cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thuỷ lợi trên đất trồng lúa; khai hoang, phục hoá đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì vậy, việc UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư để thực hiện xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp nông thôn bằng nguồn vốn đất lúa thuộc thẩm quyền của UBND huyện (người quyết định đầu tư) theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và phù hợp với tình hình thực tế. Vì nguồn kinh phí đất lúa là nguồn vốn sự nghiệp, kinh phí hằng năm ít, không ổn định và liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện theo Nghị định số 35/NÐ-CP ngày 13.4.2015 của Chính phủ.

Thời gian tới, tuỳ theo suất đầu tư, kết cấu của từng tuyến đường cụ thể, UBND huyện sẽ xem xét giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện (Trung tâm QLÐTXD huyện) làm chủ đầu tư đối với những tuyến đường có kết cấu phức tạp, suất đầu tư lớn để bảo đảm năng lực quản lý chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng công trình.

Ðối với một số tuyến đường nội đồng xuống cấp, hư hỏng nặng, lãnh đạo UBND huyện cho biết, do nguồn kinh phí hạn chế, trong khi nhu cầu đăng ký làm đường đất lúa của các xã rất nhiều. Năm 2016, nguồn kinh phí đã phân bổ dàn trải cho các xã để đầu tư làm mới 20 tuyến đường nên chất lượng ở mức trung bình, chưa cao (mỗi tuyến đường chiều dài trung bình 1km nhưng chỉ có tổng mức đầu tư từ 200 - 300 triệu đồng), tuy nhiên, các tuyến đường làm mới do xe máy cày đi nhiều dần đến mau hỏng.

Thời gian tới, UBND huyện Dương Minh Châu sẽ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các xã khảo sát thực tế tất cả các tuyến đường hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tập trung đầu tư vào các tuyến đường trọng điểm theo lộ trình, thứ tự ưu tiên để sỏi hoá các tuyến đường chứ không làm đường đất, tránh tình trạng đầu tư dàn trải làm nhiều đường nhưng không hiệu quả. Các tuyến đường hư hỏng nặng, sau khi đầu tư đều đạt chuẩn cứng hoá theo tiêu chí nông thôn mới.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây