Ký ức 30.4 Người cách mạng năm xưa tôi đã gặp

Thứ hai - 04/05/2015 10:00 186 0
Tính tình bình dị, đơn giản, anh Năm suy nghĩ cũng đơn giản, anh luôn cho rằng mình chưa có đóng góp gì nhiều cho cách mạng, mặc dù anh đã đến với cách mạng, đi theo cách mạng từ thuở tuổi thanh xuân. Điều khiến anh thấy vui là ngày ấy anh đã có sự chọn lựa đúng đắn. Nhờ sớm giác ngộ cách mạng, anh đã không phải đi lính cho giặc, không phải đi ngược lại truyền thống cách mạng của gia đình.

nam 1.jpg

Anh Năm trước căn nhà của mình.

Có dịp gặp lại trong một đám tang người quen, tôi thấy anh cũng đeo dây rơm mũ bạc. Sau một thoáng ngạc nhiên tôi mới kịp nhớ ra đó là người đồng hương quen biết năm xưa của mình và cũng là con nuôi của người quá cố. Hỏi ra mới biết, chỉ là con nuôi thôi nhưng tình cảm anh dành cho gia đình bạn tôi chẳng khác nào ruột thịt. Bạn tôi kể khá nhiều về sự giúp đỡ tận tình, vô tư của anh đối với gia đình mình trong những năm đầu miền Nam vừa giải phóng. Chính nhờ vậy mà mấy anh em của bạn đã tạo được một cuộc sống ổn định, thành đạt trên chính mảnh đất Tân Bình.

Anh tên là Phạm Văn Năm. Câu chuyện hàn huyên ngày gặp lại dẫn dắt chúng tôi trở về một thời chiến tranh đã qua. Thuở ấy tôi và anh Năm không hẹn mà gặp; do người lớn sắp xếp, cả hai chúng tôi từ quê Củ Chi cùng về sống trên đất Tây Ninh để thuận tiện việc học hành, kiếm thêm ít chữ nghĩa cho mình.

Anh Năm sống nhờ nhà người quen trong một trường tiểu học ở ấp Trường Lưu, xã Trường Hoà, quận Phú Khương (nay thuộc địa bàn xã Trường Đông, huyện Hoà Thành). Còn tôi về ở nhà người quen gần cửa số 7 Toà thánh.

Trước đó, người thân của hai chúng tôi thuê cảnh sát Sài Gòn làm cho mỗi đứa một tờ "trích lục bản án thế vì khai sanh" (thay cho giấy khai sinh) để đi học. Đó là do lúc còn sống trong vùng "xôi đậu" ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, cả hai chúng tôi đều không được cấp giấy khai sinh. Anh Năm theo học lớp đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ), tại Trường Đạo Đức học đường (trong nội ô Toà thánh).

Tôi vào học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) của Trường tiểu học Long Thới, thuộc xã Long Thành (nay là xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành). Chúng tôi thường gặp nhau vào những ngày thứ bảy hằng tuần; khi thì tôi xuống, lúc anh đi học ghé qua.

Mọi chuyện đều bình thường không có gì đáng nói nếu như không có trận công đồn Trường Lưu ngày 4.2.1972 của quân cách mạng, bởi khi cuộc giao tranh đêm ấy chấm dứt, tôi không còn gặp lại anh Năm nữa. Có tin là anh đã đi theo cách mạng.

 30.4.1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui đón mừng ngày đất nước hoà bình, mẹ tôi cất công đi tìm những người thân quen cũ, trong đó có anh Năm. Bà đến cả bệnh viện và những nơi quân giải phóng trú đóng nhưng đều không gặp.

Ở nhà, tôi- bấy giờ đã là một thanh niên 19 tuổi nhưng chưa hiểu gì về cách mạng cứ… nằm chèo queo trên giường mấy ngày liền với bao nhiêu suy nghĩ miên man, bao nhiêu lo lắng bâng quơ. Tôi tự nghĩ không biết tương lai của mình rồi sẽ ra sao, có được đi học tiếp hay là bị… bắt đi lao động khổ sai như lời đồn đại? Sau đó cả tuần, bỗng dưng anh Năm tìm đến thăm gia đình tôi. Cả nhà tôi mừng quá vì trước đó cứ lo sợ anh đã hy sinh.

Anh Năm kể lại, hôm ấy, ngày cách mạng công đồn Trường Lưu, anh và nhiều thanh niên khác đang ở trong điện thờ phật mẫu (gần nơi anh trọ học) thì được tuyên truyền vận động tham gia cách mạng. Có lẽ vì trong gia đình cũng từng có người hoạt động cách mạng nên khi được tuyên truyền, anh Năm "thấm" ngay.

Thế là đi theo. Vào cứ tận Suối Núc (nay thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh), anh được tổ chức phân công phục vụ công tác tại Huyện đoàn Toà Thánh (nay là Hoà Thành) do anh Lê Anh Tòng (Sáu Tòng) làm Bí thư.

Luôn hoàn  thành tốt nhiệm vụ của mình, tháng 5.1973 anh Năm được kết nạp vào tổ chức Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, tiếp tục làm cán bộ Đoàn và tham gia công tác thanh vận. Đến tháng 2.1975, anh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Giữa tháng 4.1975, anh cùng đơn vị được lệnh di chuyển về căn cứ Năm Trại thuộc xã Trường Hoà để chuẩn bị xuống đường, phục vụ cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 trên địa bàn huyện nhà. Nhiệm vụ của các anh là nắm tình hình địch trên địa bàn huyện thông qua cơ sở mật. Còn phải đào công sự cho bộ đội chiến đấu, đào hầm bí mật để giấu quân rồi nào tuyên truyền, căng biểu ngữ vv…vv...

Tôi hỏi mấy năm công tác ở Suối Núc anh có phải ra trận đánh nhau lần nào với giặc không? Anh đáp: thời điểm anh vào cứ, tình hình địch ở Tây Ninh nói chung, huyện Toà Thánh nói riêng đã bị phân hoá, trở nên yếu thế nên cũng không có trận đánh nào lớn xảy ra, bản thân anh lại làm công tác thanh vận nên không trực tiếp chiến đấu và anh cũng chưa có trận nào đụng độ với địch trong khi đi làm nhiệm vụ.

Có một lần, anh Năm cùng với 5 người đồng chí vào công tác ở Trảng Dầu, sau khi đào hầm bí mật xong, tổ chức phân công 3 người ở lại, còn 3 người, trong đó có anh Năm quay về căn cứ Năm Trại. Hôm sau hầm bí mật bị địch phát hiện (do có kẻ chỉ điểm), chúng đánh lựu đạn xuống hầm giết chết cả 3 đồng chí của anh. Đêm sau anh Năm cùng những người còn lại tổ chức đi lấy xác đồng đội đem về chôn cất ở căn cứ. Anh tự nhận mình có phần may mắn hơn các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

Câu chuyện giữa chúng tôi tiếp tục với những diễn biến bình thường trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng có cốt cách hết sức bình dị. Sau ngày miền Nam giải phóng anh Năm tiếp tục làm cán bộ Đoàn, sau được giao chức vụ Phó Bí thư Huyện đoàn.

Một năm sau khi Nhà nước thành lập xã mới Tân Bình (tách ra từ xã Thạnh Tân, năm 1978) anh Năm được điều về công tác ở Mặt trận Tổ quốc xã, rồi phụ trách công tác dân vận. Gần 30 năm - từ 1981 đến 2009 công tác ở Đảng uỷ xã với chức vụ Phó Bí thư rồi Bí thư cho đến ngày hưu trí, anh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đem hết trách nhiệm của người đảng viên cùng với nhân dân góp sức xây dựng quê hương.

Từ một xã nông thôn thời kháng chiến còn thiếu thốn đủ thứ, nay Tân Bình đã thành một địa phương dân cư đông đúc của thành phố Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên.

nam 2.jpg

Ông Năm phụ giúp người dân khiêng dọn hàng.

Tính tình bình dị, đơn giản, anh Năm suy nghĩ cũng đơn giản, anh luôn cho rằng mình chưa có đóng góp gì nhiều cho cách mạng, mặc dù anh đã đến với cách mạng, đi theo cách mạng từ thuở tuổi thanh xuân. Điều khiến anh thấy vui là ngày ấy anh đã có sự chọn lựa đúng đắn.

Nhờ sớm giác ngộ cách mạng, anh đã không phải đi lính cho giặc, không phải đi ngược lại truyền thống cách mạng của gia đình. Trong suốt quá trình đi làm cách mạng, anh cũng không làm điều gì sai trái với Đảng, với Nhà nước và nhân dân để sau này phải hối hận, hổ thẹn với chính bản thân mình.

Tài sản hiện tại của anh không có gì đáng giá ngoài vài công đất vườn nhưng anh đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nền nếp trong căn nhà nhỏ nằm cạnh trụ sở UBND xã Tân Bình. Hai người con trai của anh Năm đều đã trưởng thành, hiện là sĩ quan trong ngành công an và quân đội, còn cô con gái đã là một giáo viên ngoại ngữ.

Hạnh phúc của người đảng viên bình thường cũng chỉ bình thường như thế. Đảng uỷ xã Tân Bình đã làm thủ tục đề nghị cấp trên công nhận 40 năm tuổi Đảng cho anh Năm, như một cách ghi công người chiến sĩ cách mạng đã gần cả cuộc đời đi theo Đảng.

Tôi viết bài này không nhằm ca ngợi anh Năm như ca ngợi một người anh hùng hay một nhân vật có công trạng lớn với đất nước, bởi- như lời anh tự nhận- những đóng góp của anh hãy còn nhỏ bé lắm và bình thường lắm nhưng với tôi, anh là một người cách mạng- đúng theo nghĩa đơn giản, bình thường của nó, đơn giản và bình thường như cái hồi anh quyết định "vào rừng" năm xưa.

Và có một chuyện mà bấy lâu tôi vẫn muốn tỏ bày cùng anh Năm nhưng chưa có cơ hội. Đó là nhờ anh- người cách mạng trẻ tuổi năm xưa đã cho tôi ít nhiều hiểu biết và cả niềm tin để sớm có cái nhìn thân thiện với cách mạng trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, để tôi ngày càng vỡ ra nhiều điều về trách nhiệm một công dân của một đất nước đi lên từ trong hoang tàn, đau thương, mất mát bởi chiến tranh. Có phải chăng, nhờ khởi đầu đó mà tôi đã sống một cuộc sống có ích cho đến bây giờ?

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây