Chưa rõ bản chất của dịch vụ CNTT
Vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất khi triển khai chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước là phải làm rõ bản chất dịch vụ CNTT là cái gì, quy định quản lý như thế nào. Tuy nhiên, trao đổi với ICTnews, rất nhiều lãnh đạo cơ quan Nhà nước cho biết vẫn đang rất mơ hồ về những vấn đề này.
Thực ra từ trước đến nay, phương thức thuê dịch vụ CNTT đã được triển khai khá nhiều. Ví dụ, thuê một đường truyền Internet, hosting máy chủ bản chất cũng là thuê dịch vụ. Nhiều nơi cũng từng thuê máy tính để phục vụ hội nghị, hội thảo hoặc các khóa đào tạo, tập huấn. Thế nhưng, đa phần mọi người không nghĩ rằng đó là thuê dịch vụ CNTT.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, lấy ý kiến cộng đồng từ năm 2012 cũng nêu rõ Danh mục Dịch vụ CNTT với 9 nhóm, 54 loại dịch vụ. Chẳng hạn, Nhóm dịch vụ cho thuê, chia sẻ tài nguyên CNTT gồm các dịch vụ: trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, cho thuê phần cứng, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu, cho thuê nhân sự CNTT, cho thuê và bán chỗ quảng cáo trên môi trường mạng. Nhóm dịch vụ an toàn, bảo mật thông tin gồm các dịch vụ: phân phối, triển khai giải pháp, sản phẩm an toàn, bảo mật thông tin; thiết kế, phát triển, xây dựng giải pháp, sản phẩm an toàn, bảo mật thông tin; duy trì, vận hành, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; kiểm tra, đánh giá an toàn, bảo mật thông tin; chứng thực chữ ký số, chữ ký điện tử.... Tuy nhiên, Nghị định này vẫn chưa được Chính phủ xem xét phê duyệt.
"Tới nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào về quản lý dịch vụ CNTT, trong đó xác định rõ những dịch vụ nào được coi là dịch vụ CNTT, dịch vụ nào cần cấp phép, dịch vụ nào chỉ cần đăng ký hoạt động… Ngay cả trong Luật CNTT chỉ có một mục khá mờ nhạt nội dung về dịch vụ CNTT. Trong khi thực tế đang có xu hướng hội tụ, tích hợp công nghệ viễn thông - CNTT. Nếu khái niệm dịch vụ CNTT không được pháp lý hóa thì rất có thể sẽ xảy ra câu chuyện nhiều người diễn giải về dịch vụ CNTT theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, vẫn còn nhiều người băn khoăn chưa rõ thuê hosting có được coi là dịch vụ CNTT hay không hay chỉ là dịch vụ Internet", một chuyên gia CNTT chia sẻ với ICTnews.
Rất nhiều cơ quan Nhà nước chưa hiểu rõ thế nào là thuê dịch vụ CNTT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thuê dịch vụ khác với hợp tác công - tư PPP
Khi khái niệm dịch vụ CNTT vẫn chưa được định hình một cách chính thức thì chuyện nhiều cơ quan Nhà nước vẫn mơ hồ về khái niệm thuê dịch vụ CNTT là điều dễ hiểu. ICTnews đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia để tìm ra điểm đặc trưng của thuê dịch vụ CNTT nhằm hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước nhận biết thế nào là thuê dịch vụ CNTT.
Theo gợi ý của các chuyên gia, để tránh sự nhầm lẫn giữa thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước với các phương thức khác, đặc biệt là hợp tác công - tư (PPP), có thể phân biệt đơn giản như sau: PPP là phương thức mà doanh nghiệp bên ngoài bỏ tiền đầu tư xây dựng hệ thống máy móc hạ tầng cho Nhà nước, doanh nghiệp có quyền khai thác hệ thống và thu phí trong một khoảng thời gian nhất định rồi phải chuyển giao lại cho Nhà nước. Giống như trong lĩnh vực giao thông, doanh nghiệp bỏ tiền xây đường có quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư, sau một thời gian thì sẽ chuyển giao cho Nhà nước, cuối cùng con đường vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Trên thực tế, có nhiều hoạt động mà cơ quan Nhà nước có thể triển khai phương thức PPP trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là những cơ sở dữ liệu có thể chia sẻ thông tin dữ liệu cho cộng đồng và thu phí dưới dạng dịch vụ công. Chẳng hạn có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch thành phố, người dân nào muốn biết một mảnh đất có nằm trong diện quy hoạch hay không, có tranh chấp hay không… thì có thể trả phí để truy cập và khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu.
Còn với phương thức thuê dịch vụ CNTT, doanh nghiệp đầu tư hệ thống, cơ quan Nhà nước chỉ khai thác, sử dụng hệ thống và trả phí sử dụng cho doanh nghiệp. Hết thời hạn thuê dịch vụ, hệ thống đó vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
Cần sớm có cơ sở pháp lý về thuê dịch vụ CNTT
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, việc quản lý dịch vụ CNTT, trong đó có hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước phải được thực hiện bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh.
Chẳng hạn, với câu chuyện cho thuê phần mềm và điện toán đám mây, rất nhiều ý kiến cho rằng cứ để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ làm thoải mái bởi việc coi phần mềm như dịch vụ bây giờ đã là trào lưu của thế giới. Tuy nhiên, nếu suy xét cẩn trọng hơn thì sẽ thấy dịch vụ này cũng có thể có "mặt trái" và phải đưa vào diện có giấy phép mới được hoạt động. Cụ thể, khi đi thuê thì phần mềm là của nhà cung cấp, các cơ quan Nhà nước chỉ thuê về để dùng sau một thời gian nhất định lại trả cho nhà cung cấp. Hiện có không ít phần mềm được thiết kế theo hướng cơ quan Nhà nước không thể lấy được dữ liệu, thông tin ra để sau này có thể thuê nhà cung cấp phần mềm, dịch vụ khác. Vô hình chung cơ quan Nhà nước bị phụ thuộc vào doanh nghiệp cung cấp phần mềm, trở thành "con tin" của doanh nghiệp cho thuê phần mềm.
Nguồn tin của ICTnews cho hay, Bộ TT&TT đã hoàn thiện lại dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT, cơ bản đã xong thủ tục lấy ý kiến các Bộ, ngành và qua thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến giữa tháng 7/2014 trình lên Chính phủ. Nghị định này sau khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để dễ dàng quản lý hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước, cũng như xử lý khi phát sinh những tranh chấp, vướng mắc trong thực tiễn.
Theo ictnews.vn