Kế hoạch hành động Phòng chống cúm A(H7N9) tại tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 30/03/2017 09:00 26 0
Theo nhận định của Sở Y tế, dịch cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào Việt Nam và tỉnh Tây Ninh cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không triển khai các hoạt động phòng chống do nhiều nguyên nhân: dịch bệnh đang tăng nhanh tại Trung Quốc cả về số mắc, số tử vong và lan ra các vùng địa lý mới.

Đặc biệt đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh sát biên giới Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, trong khi tỉnh Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài hơn 240 km, có cửa khẩu quốc tế và nhiều tiểu ngạch, người qua lại dễ dàng khó kiểm soát. Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan và bùng phát. Nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh. Phần lớn người mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm nhưng vi rút cúm A(H7N9) không gây bệnh và không gây chết gia cầm, vì vậy rất khó phát hiện gia cầm nhiễm vi rút.

Hiện bệnh cúm A(H7N9) chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng. Để chủ động phòng, chống cúm A(H7N9), ngày 22/3/2017, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 106/KH-SYT về việc phòng chống cúm A(H7N9) tại tỉnh Tây Ninh năm 2017.

Mục tiêu của Kế hoạch là phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Kế hoạch đề ra 3 tình huống cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh:

Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên người. Giải pháp thực hiện là tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh do vi rút cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh. Thực hiện khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng. Thực hiện các giải pháp đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Đối với mỗi tình huống, Sở Y tế đều đề ra các hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh như: Công tác chỉ đạo, kiểm tra; Công tác giám sát, dự phòng; Công tác điều trị; Công tác truyền thông; Công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; Công tác hậu cần.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp thực hiện các hoạt động phòng, chống cúm A(H7N9) trên địa bàn tỉnh.

                                                                                      KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây