Đồng chí Võ Văn Phuông - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng nhân lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Ngày 10.9.2015, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 11546-CV/VPTW thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 5.1 hằng năm là ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng; và tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (5.1.1966 – 5.1.2016) gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3.2.
Ngành Nội chính Đảng ra đời và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Kể từ khi thành lập (5.1.1966) đến nay, Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những tên gọi khác nhau. Mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Nội chính Đảng được Ban Bí thư, Bộ Chính trị giao chức năng, nhiệm vụ khác nhau phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Dù nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, nhưng với sự nỗ lực của mình, các thế hệ cán bộ của Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tại Tây Ninh, quá trình xây dựng và phát triển của Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây Ninh trải qua 3 giai đoạn: thành lập; sáp nhập; giải thể và tái thành lập. Trong từng giai đoạn, tập thể cán bộ, công chức Ban Nội chính luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu đạt nhiều kết quả trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 3 giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn 1983-1988: Ngày 28.4.1983, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động và bố trí đồng chí Nguyễn Hoàng Sa - Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh về giữ chức vụ Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ. Ở cấp huyện và cấp xã cũng thành lập Ban Nội chính. Đến ngày 10.8.1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết sáp nhập Ban Nội chính Tỉnh uỷ vào Văn phòng Tỉnh uỷ. Công việc nội chính cấp huyện cũng thực hiện tương tự, nhưng giải thể hoàn toàn Ban Nội chính cấp xã.
Giai đoạn 1989-2000: Sau khi sáp nhập vào Văn phòng Tỉnh uỷ được khoảng 6 tháng, đến tháng 2.1989, trên cơ sở hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng thời xét theo yêu cầu cần thiết thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ để bảo đảm nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngày 20.2.1989, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ, đồng thời chỉ định đồng chí Nguyễn Hoàng Sa giữ chức Trưởng ban, điều động đồng chí Phan Văn Điền (10 Thương) - nguyên Uỷ viên Thường vụ Thường trực Đảng uỷ Công an tỉnh giữ chức vụ Phó ban. Đến cuối năm 1989, đồng chí Nguyễn Hoàng Sa nghỉ hưu, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động đồng chí Nguyễn Văn Trâm (Bảy Tố), Tỉnh uỷ viên – Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh về giữ chức vụ Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Đến giữa năm 1992, đồng chí Phan Văn Điền (10 Thương) - Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều giữ chức vụ Trưởng Ban Tôn giáo. Đến tháng 8.1996, đồng chí Nguyễn Văn Trâm (Bảy Tố) nghỉ hưu, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục điều động đồng chí Trần Đuông - Bí thư Huyện uỷ Châu Thành về giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, đồng thời điều động đồng chí Lê Công, Trưởng Phòng Công tác xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ về giữ chức Phó ban.
Đến Hội nghị Trung ương 7 (khoá VIII) về việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế, đồng thời căn cứ biên bản họp Ban Chấp hành Đảng bộ số 27-BB/TU, ngày 10.1.2000, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 800-QĐ/TU, 12.4.2000 về việc giải thể Ban Nội chính Tỉnh uỷ và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh uỷ cho Văn phòng Tỉnh uỷ.
Trong quá trình thành lập, sáp nhập, giải thể, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây Ninh cơ bản đã hoàn thành công tác tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp; việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về lĩnh vực công tác nội chính; giúp cấp uỷ xử lý đơn thư bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Giai đoạn 2013 đến nay: Sau khi Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 8.4.2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, ngày 5.6.2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 2530-QĐ/TU về thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ, đồng thời ngày 17.7.2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ và quyết định điều động, phân công đồng chí Nguyễn Văn Bênh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh giữ chức vụ Trưởng ban và đồng chí Đỗ Minh Tiển, Tỉnh uỷ viên – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh làm Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Đến tháng 10.2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định điều động, phân công đồng chí Phạm Hùng Thái, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Tân Châu làm Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; tháng 10.2015, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục điều động đồng chí Nguyễn Mộng Tín, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ – Bí thư Đảng uỷ thị trấn Dương Minh Châu và đồng chí Nguyễn Văn Trung, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Dương Minh Châu giữ chức vụ Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015- 2020 đến nay, về nhân sự Ban Nội chính có sự thay đổi, đồng chí Đỗ Minh Tiển- Phó Trưởng Ban không đủ điều kiện tái cử, nghỉ hưu theo Chỉ thị 36-CT/TW; đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Trưởng Ban tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, được phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Bênh tái đắc cử Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tiếp tục được phân công làm Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Giai đoạn đầu, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Phòng Nội chính – Tiếp dân, văn phòng Tỉnh uỷ, với 9 biên chế. Đến nay, Ban Nội chính được 24 người, trong đó có 16 biên chế, 2 cán bộ biệt phái, 7 hợp đồng lao động. Hoạt động của Ban Nội chính thực hiện theo Quyết định số 2531-QĐ/TU, ngày 3.6.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Sau hơn 2 năm được tái lập và đi vào hoạt động cho thấy, việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ có vai trò đặc biệt, khẳng định tầm quan trọng của công tác nội chính ở địa phương trong tình hình mới; gắn với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo chủ trương, nghị quyết của Đảng; đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay.
Theo BTNO