Bà Út Nghét vẫn còn giữ bản sao tờ báo đã đưa tin Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh ra toà án quân sự của quân đội Sài Gòn.
Toà án quân sự Vùng 3 chiến thuật của quân đội Sài Gòn tuyên án tử hình bà Út Nghét cùng một đồng đội tại phiên xử vào một ngày đầu năm 1973, chỉ hơn một tuần lễ trước ngày ký kết Hiệp định Paris, quân đội Hoa Kỳ phải cuốn cờ rút về nước, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Năm ấy, Út Nghét mới 27 tuổi, bị bắt lúc đang mang bầu đứa con đầu lòng, đứa con duy nhất chào đời trong nhà tù, không thấy mặt cha, vì người chồng của Út Nghét, cũng là chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh khi người vợ còn mang án tử, đang bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo.
Giữa năm 1969, bà Út Nghét cùng hai đồng đội là bà Út Coi và ông Bảy Đức được cấp trên điều động từ đơn vị biệt động huyện Trảng Bàng lên huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay) thành lập đội tự vệ mật, hoạt động trong vùng giặc tạm chiếm ở khu vực Toà Thánh - Long Hoa.
Ba chị em Út Nghét phải đi vòng từ Trảng Bàng sang Campuchia rồi nhập vào dòng người tị nạn chiến tranh từ đất nước láng giềng trở về Việt Nam, được chế độ Sài Gòn bố trí cho ở “ấp tân sinh Long Hải” thuộc xã Long Thành, quận Phú Khương, chỉ cách khu nội ô Toà thánh khoảng 5km. Dưới vỏ bọc Việt kiều hồi hương, bà Út Nghét cùng hai đồng đội xây dựng Đội tự vệ mật, được cấp trên bổ sung thêm một số đội viên là người tại chỗ, hầu hết là con em của các chức sắc yêu nước trong Ban củng cố Hoà bình chung sống.
Sau một năm thực hiện nhiệm vụ “diệt ác” với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ngay tại các cửa chợ Long Hoa, Trường Nông Lâm Súc ở Bến Kéo, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, quân cảnh, thám báo, Đội tự vệ mật được Huyện uỷ Toà Thánh giao thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tiêu diệt tên Trung tướng Nguyễn Văn Thành, đang “đội lốt thầy tu” với danh xưng Tổng Thanh tra chánh trị đạo, kiêm Tổng quản Thánh vệ tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, thực chất là để lùng sục bắt bớ, thủ tiêu các vị chức sắc, tín đồ yêu nước theo chủ trương “Hoà bình chung sống” của Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, đồng thời gom các thanh niên trốn lính trong nội ô Toà thánh giao cho giặc đưa đi quân dịch.
Nguyễn Văn Thành vốn là một “loạn tướng” rời bỏ hàng ngũ quân đội giáo phái theo lực lượng Bình Xuyên làm phiến loạn, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam. Sau khi chế độ Diệm bị sụp đổ, chế độ Thiệu lên thay, cơ quan tình báo CIA của Mỹ đưa tướng Thành về Toà thánh Tây Ninh làm Tổng Thanh tra chánh trị đạo để khống chế, khủng bố đồng bào ở vùng đạo Cao Đài. Hành vi của tướng Thành gieo rắc tai hoạ, gây tiếng oán than, tâm trạng hoang mang lo sợ khắp 18 phận đạo vùng Châu Thành Thánh địa (khu vực Toà Thánh - Long Hoa).
Để giúp đồng bào vùng đạo thoát khỏi tai ương dưới bàn tay hung bạo của tướng Thành, cứu hàng ngàn thanh niên trốn lính trong nội ô Toà thánh sắp sửa bị tướng Thành lùa đi quân dịch để bổ sung cho quân đội Sài Gòn bị lực lượng cách mạng đánh cho tan tác trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Tỉnh uỷ Tây Ninh chủ trương tiêu diệt tên tướng giặc ác ôn này.
Các đồng chí Võ Đức Trọng, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách địa bàn Toà Thánh; Lê Văn Dừa, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Toà Thánh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đội trưởng Đội tự vệ mật Phan Thị Út tại căn cứ động Kim Quang, núi Bà Đen; đồng chí Tạ Văn Công, Thường vụ Huyện uỷ phụ trách địa bàn Nam Toà Thánh chỉ đạo kế hoạch tác chiến và giao vũ khí, chất nổ cho Đội tự vệ mật tổ chức đưa vào nội ô Toà thánh bằng xe lôi, nguỵ trang dưới thùng xe chở đồ hàng bông, rau quả của tiểu thương chợ Long Hoa hiến cho trai đường Toà Thánh nấu cơm chay nuôi những người làm công quả.
Chuẩn bị cho trận diệt ác cứu dân này, từ sáu tháng trước, Đội trưởng Út Nghét đã tổ chức cho Bảy Đức và hai đội viên tự vệ mật tên là Xê và Mỹ vào “trốn quân dịch” trong nhà Bảo thể ở một góc Bá Huê Viên, sát bên cạnh nhà nghỉ của tướng Thành trong văn phòng Tổng Thanh tra chánh trị đạo. Hai đội viên trẻ khác, một nam tên Bé, một nữ tên Bình được bố trí “theo học” tại Trường Đạo Đức Học Đường, thường hay “hẹn hò” trong rừng thiên nhiên để theo dõi đường đi nước bước của tướng Thành.
Thời cơ thuận lợi đã đến. Đêm Rằm tháng Mười âm lịch, nhằm đêm 21 rạng ngày 22.11.1972, là ngày lễ lớn của đạo Cao Đài, Đội tự vệ mật xác định “giờ G” của trận đánh đêm ấy là lúc tướng Thành về nghỉ tại Văn phòng Tổng Thanh tra sau khi kết thúc lễ cúng Đại đàn thời Tý (12 giờ đêm) tại Đền thánh.
Trong giờ cúng, bà Út Nghét cùng hai liên lạc viên hoà trong số người dự cúng đàn ngoài sân Đại đồng xã (do số người dự lễ cúng rất đông, nội điện Đền thánh không đủ chỗ chứa) để theo dõi hành tung tướng Thành.
Tổ tác chiến hoá trang bằng… lọ nghẹ phục kích trong hàng rào dâm bụt Bá Huê Viên, sát vách phòng nghỉ của tướng Thành. Mỹ cảnh giới cho Bảy Đức và Xê tác chiến. Hai lon sữa Guigo nhồi đầy chất nổ C4, giấu dưới gốc kiểng ngay bên cửa sổ phòng này. Khoảng 2 giờ sáng, lễ cúng Đại đàn vừa xong, tướng Thành đi xe Jeep về Văn phòng, vào phòng nghỉ. Ánh đèn néon trong phòng vừa tắt, đội viên Xê công kênh Bảy Đức trên vai đứng phắt dậy, hai tay Bảy Đức buông chốt ném hai quả lựu đạn da láng qua hàng rào dâm bụt về phía chậu kiểng đặt chất nổ, rồi lập tức cả hai chiến sĩ nằm sát xuống đất.
Hai quả lựu đạn cùng hai lon Guigo chứa 1kg chất nổ plastic gần như nổ một lúc thành tiếng sấm rền vang bầu trời nội ô. Khoảng 5 phút sau tiếng nổ, đám Thánh vệ, Tuần cảnh, Bảo thể trong và ngoài Văn phòng Tổng Thanh tra chạy nháo nhào, đứng lố nhố chung quanh phòng tướng Thành, trong số đó có cả các đội viên tự vệ mật trong lớp áo dài trắng đeo băng tay Bảo thể, đã làm sạch lớp lọ nghẹ nguỵ trang.
Một tay Thánh vệ bồng tướng Thành lên xe Jeep chạy ra cửa Hoà Viện thẳng hướng đến bệnh viện Tây Ninh (đặt tại công viên 30 tháng Tư, thành phố Tây Ninh ngày nay). Nhưng không còn kịp nữa, xe Jeep đưa tướng Thành đi cấp cứu đến khoảng nhà đèn ở Trảng Dài (Công ty Điện lực Tây Ninh ngày nay) thì tên tướng giặc khoác áo thầy tu thở hắt ra một hơi, tạ thế.
Khoảng hơn một tháng sau trận đánh, cuối tháng 12.1972, do sơ suất của một cơ sở là người chạy xe lôi chở “đồ hàng bông” của Đội tự vệ mật vào nội ô Toà thánh, toàn đội bị giặc bắt, chỉ có bà Út Coi (Nguyễn Thị Coi) do đã trở về Trảng Bàng không lên kịp ngày diễn ra trận đánh đột xuất khi có thời cơ, vào giờ chót, Huyện uỷ Toà Thánh mới quyết định cho đánh.
Sau khi tiêu diệt kẻ “phá đạo hại đời”, cán bộ, chiến sĩ Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh bị giặc đưa ra Toà án quân sự Vùng 3 tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Chúng tuyên án tử hình Út Nghét và Bảy Đức, các đội viên Xê, Mỹ, Bé bị tù chung thân và hai đội viên khác bị tù 3 năm.
Ngay sau khi các cán bộ chiến sĩ tự vệ mật bị bắt, Trung ương Cục miền Nam đưa tên tuổi họ vào danh sách tù binh tại bàn hội đàm Paris trước ngày ký kết Hiệp định đình chiến không bao lâu, do vậy, kẻ địch không thể thi hành án đối với những người bị tuyên án tử hình. Nhưng chúng vẫn ngoan cố không chịu trao trả tù binh mà đưa họ đi đày tận Côn Đảo.
Ra đến đảo, phát hiện bà Út Nghét đang có mang, chúng đưa bà trở về đất liền giam ở nhà lao Thủ Đức. Đứa con sinh trong nhà tù, cũng giống như người mẹ, không biết mặt cha, vì chồng bà Út Nghét cũng cùng hoàn cảnh như người cha của bà, hy sinh khi vợ đang mang thai.
Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tù nhân nhà lao Thủ Đức phá ngục trở về với cuộc sống tự do. Nữ chiến sĩ tử tù Phan Thị Út, tham gia cách mạng từ khi mới 15 tuổi, trở về quê hương Trảng Bàng khi tuổi đời còn khá trẻ, vừa tròn 30, nhưng vẫn thuỷ chung ở vậy nuôi con cho đến ngày nay, tuổi đã quá ngưỡng “thất thập cổ lai hi”.
Đất nước hoà bình, thống nhất, bà Út Nghét tiếp tục công tác trong lực lượng Công an huyện Trảng Bàng, làm Phó Đồn công an Ngọc Điệp. Sau đó, bà chuyển ngành, giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thương binh - Xã hội huyện Trảng Bàng. Hiện nay, bà đã nghỉ hưu, ngụ tại thị trấn Trảng Bàng.
Tiếp xúc với người chiến sĩ tử tù, hỏi thăm về cuộc sống, bà cho biết từ nhỏ lớn lên ở quê hương anh hùng, được tiếp nối truyền thống cách mạng, bà đã theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, của Bác Hồ, được kết nạp vào Đảng thời còn thanh niên, mới 19 tuổi, đến nay, tuổi Đảng đã hơn nửa thế kỷ bà nguyện suốt đời học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, giữ vẹn tinh thần cách mạng của một đảng viên cộng sản, bản chất trung trinh, tiết liệt của một người phụ nữ Việt Nam.
Hiện nay, với các khoản lương hưu, trợ cấp thương binh và gia đình chính sách, tuy không dư dả nhưng cũng đủ cho bà yên ấm tuổi già. Con gái bà Út Nghét, do thuở nhỏ gia cảnh khó khăn không được theo đuổi con đường học vấn đến nơi đến chốn, chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ học đi làm, hiện nay đang làm nhân viên phục vụ ở Trung tâm Y tế Trảng Bàng, cuộc sống gia đình riêng tuy không giàu cũng cơ bản ổn định.
Được hỏi về chính sách đãi ngộ đối với một chiến sĩ tử tù năm xưa và sự đóng góp trong công tác giáo dục truyền thống hôm nay, bà Út Nghét cho biết, trước đây bà được tham gia đoàn Chiến sĩ tử tù miền Nam ra Bắc viếng lăng Bác, về sau bà có nhiều lần được mời đi nói chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
Gần đây năm 2015, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Ban Thi đua Khen thưởng huyện và UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ Trảng Bàng thống nhất đề nghị xét tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho bà Phan Thị Út, nhưng đã hơn hai năm qua bà vẫn chưa biết kết quả.
Thành tích chiến đấu trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh đã được lịch sử ghi nhận. Trong các tài liệu lịch sử của Đảng bộ tỉnh và của Phụ nữ Nam bộ, Phụ nữ Tây Ninh đều có ghi lại chiến tích của nữ chiến sĩ tử tù Phan Thị Út cùng đồng đội. Tin rằng, công trạng của người phụ nữ kiên cường, bất khuất này sẽ được tuyên dương, đánh giá đúng mức để góp phần giáo dục truyền thống cho giới trẻ hôm nay và mai sau.
Theo Báo Tây Ninh Online