Kết quả đạt được và một số định hướng về hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 03/04/2023 12:00 193 0
Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi.

1. Một số khái niệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up): là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc". Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

- Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup Ecosystem): là tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp ĐMST (cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST) và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển (Nhà nước; các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; các viện, trường đại học; các tổ chức, nhà đầu tư tài chính). Trong đó thông qua việc quản lý, ban hành cơ chế chính sách (như: về thành lập doanh nghiệp, thành lập các quỹ, tổ chức đầu tư mạo hiểm, chính sách về thuế; hình thành các khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp,…), Nhà nước là chủ thể có vai trò rất quan trọng trong việc định hình, thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái.

 - Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Business Incubator): là các tổ chức có chức năng hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp để họ đi từ bước có ý tưởng ĐMST đến hoàn thiện công nghệ hoặc một mục đích nhất định của cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó (ví dụ, mục đích gọi vốn, đổi mới công nghệ, v.v...). Thông thường, các cơ sở ươm tạo hỗ trợ dưới hình thức tư vấn, cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật (ví dụ: phòng thí nghiệm, thử nghiệm, không gian làm việc). Các cơ sở ươm tạo thường thuộc các trường Đại học, Viện nghiên cứu và sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động.

- Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nơi cung cấp các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, như: khu làm việc chung (Co-working Space), các đơn vị tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, văn phòng đại diện các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST,... nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ tối đa nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.


2. Tình hình triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

2.1 Các cơ chế, chính sách đã ban hành trên địa bàn tỉnh

Tỉnh đã ban hành các chính sách và kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST như: 

- Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025;

- Kế hoạch 2721/KH-UBND ngày 03/11/2020 về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025";

- Quyết định 1927/QĐ-UBND ngày 03/8/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

- Công văn số 862/UBND-KGVX ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tỉnh đoàn đã: ban hành Kế hoạch "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2027"; thành lập Ban Quản lý điều hành vốn "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp"; ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vốn "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp";

- Hội Nông dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 185-KH/HNDT ngày 22/9/2021 thực hiện Đề án "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh".

2.2 Kết quả đạt được

a) Công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp/lập nghiệp

Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tiến hành trao vốn cho 03 dự án với kinh phí 180 triệu đồng; tổ chức 15 hoạt động kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp; hỗ trợ 37 dự án khởi nghiệp của thanh niên với tổng kinh phí là 1,551 triệu đồng; có 73 dự án mới được hỗ trợ mới trong năm; 56 dự án tiếp tục được hỗ trợ từ những năm trước; 141 lượt thanh niên được hỗ trợ. Tiếp tục duy trì các Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tại các huyện, thị, thành Đoàn, Cuộc thi "Ý tưởng – Dự án khởi nghiệp"; vận động đoàn viên tham gia Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên nông thôn năm 2022" của Trung ương Đoàn phát động, kết quả có 12 dự án tham gia và có 03 dự án vào vòng Bán kết. Tổ chức 01 chương trình tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp giữa Tỉnh đoàn 02 tỉnh: Tây Ninh và Long An. Đoàn đã đến tham quan các mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên tỉnh Tây Ninh, gồm: Trại cà cuống Phong Lan, mô hình trang trại kết hợp nuôi cà cuống và trồng nấm của chị Nguyễn Thị Lan, mô hình Vườn dâu tằm và ẩm thực 7 Săng của anh Võ Nguyên Vũ.

b) Công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự/phát triển kinh doanh

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thông tin, tuyên truyền Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" thông qua phát hành tài liệu dành cho cán bộ Hội các cấp về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự/phát triển kinh doanh và lồng ghép tuyên truyền thông qua sinh hoạt tổ/nhóm, câu lạc bộ, các mô hình hoạt động của Hội; các cấp Hội đã kết nối, huy động nguồn lực hỗ trợ 636 phụ nữ (về vốn, phương tiện, không lãi suất/không hoàn vốn...) khởi sự/phát triển kinh doanh với tổng số tiền 3,62 tỷ đồng[4].

Trong năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức Ngày hội Phụ nữ - Thanh niên khởi nghiệp năm 2022 với chủ đề: "Phụ nữ & Thanh niên Tây Ninh - Vững tin bước qua đại dịch Covid-19 - Nâng tầm khởi nghiệp trong thời đại số". Ngày hội đã kết nối, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thu hút 24 gian hàng với 70 sản phẩm là các sản phẩm đặc sắc của địa phương do phụ nữ, thanh niên và các doanh nghiệp nữ làm chủ sản xuất trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, không hóa chất độc hại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện để đại biểu, đoàn viên, hội viên tiếp cận và trải nghiệm, góp phần lan toả và nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

c) Công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Năm 2022, ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh phối hợp Báo Giáo dục TP.HCM, Công ty Hướng nghiệp 4.0 CDM – Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, Trung tâm Hướng nghiệp – Viện Phát triển Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi hướng nghiệp, giới thiệu các kiến thức về khởi nghiệp cho khoảng 25.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Khương Huê hỗ trợ các trường THCS, THPT tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với học sinh; học sinh được tư vấn về hướng nghiệp, khởi nghiệp, việc làm tại trường, có 13 em được xét chọn trao học bổng tổng trị giá 110,5 triệu đồng và trải nghiệm thực tế tại Công ty.

Có 05 ý tưởng tham gia Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" do Bộ GD&ĐT tổ chức; 85 dự án tham gia Cuộc thi "Khoa học Kỹ thuật học sinh Trung học cấp tỉnh". Kết quả: có 45 dự án đạt giải (02 dự án được tuyển chọn tham gia vòng cấp quốc gia, đạt 01 giải Nhì và 01 giải Tư). Ngành đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức tuyển chọn các dự án tham gia Cuộc thi "Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" năm 2022, có 01 dự án đạt giải Khuyến khích[5].

d) Công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành khoa học và công nghệ

Năm 2022 đến nay, ngành đã tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ tỉnh Tây Ninh năm 2022 với sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN 20 tỉnh/thành phía Nam; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội Nông dân các huyện tổ chức hội thảo truyền thông, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ với hơn 682 lượt các cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và doanh nghiệp tham gia.

Ký kết thoả thuận hợp tác ba bên, giữa Sở KH&CN Tây Ninh, Làng Công nghệ sinh thái (Ecotech Village) và Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học; trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, triển khai Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022 – 2023" nhằm tìm kiếm, lựa chọn, tôn vinh và ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Qua tổng hợp, Sở đã hướng dẫn, tiếp nhận 20 hồ sơ tham gia Cuộc thi; đang phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi theo quy định.

Để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh đề xuất chủ trương xây dựng Đề án "Khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh"; đã tham gia họp Khối ngày 23/3/2023 (theo Giấy mời 2309/GM-VP của Văn phòng UBND tỉnh) và UBND tỉnh đã có Thông báo số 2582/TB-VP ngày 28/3/2023 Kết luận của đồng chí Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc cho ý kiến về chủ trương xây dựng Đề án "Khu làm việc  chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh".

đ) Công tác hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Sở KH&CN tổ chức 06 lớp truyền thông về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cho 281 cán bộ, hội viên nông dân; duy trì và xây dựng được 49 mô hình khởi nghiệp (Trong đó: có 03 mô hình khởi nghiệp cấp huyện và 05 mô hình khởi nghiệp cấp cơ sở), với số tiền hỗ trợ vốn khởi nghiệp trên 980 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; tăng cường vai trò kết nối và hiệu quả trong việc thực hiện hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

3. Thuận lợi

Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, được sự quan tâm tích cực hơn của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Sở Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cố gắng từng bước triển khai các hoạt động nhằm hình thành, kết nối và hoàn thiện các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho thanh niên, phụ nữ về vai trò quan trọng của khởi sự, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đã hỗ trợ được một số dự án thông qua nguồn vốn hỗ trợ và huy động từ doanh nghiệp.

4. Khó khăn, hạn chế

Nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Tây Ninh hiện ở mức sơ khai, các thành phần cơ bản của hệ sinh thái còn thiếu và yếu, chưa đủ cơ sở để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, cụ thể:

- Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh còn phân tán, chưa hình thành được khu tập trung, đầu mối của tỉnh để kết nối được các nguồn lực địa phương, nguồn lực của vùng, quốc gia để hỗ trợ, ươm tạo cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh chưa có vườn ươm khởi nghiệp, chưa có không gian làm việc chung, thiếu các khu đổi mới sáng tạo, khu hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, các chủ thể OCOP trong việc kiểm tra, thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm,… trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

- Thiếu nguồn nhân lực về quản lý, đội ngũ tư vấn, chuyên gia; chưa có Viện, trường Đại học để tạo sự gắn kết hoạt động đào tạo - nghiên cứu và thị trường; chưa huy động được nguồn lực như các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.

- Nhận thức của người dân về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa đầy đủ. Sự quan tâm, tìm hiểu, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo rất hạn chế; doanh nghiệp chủ yếu lập nghiệp, hoạt động theo phương thức truyền thống, tự tạo, tự lập chưa quan tâm, mạnh dạn trong đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

- Các dự án được hỗ trợ trong thời gian qua chưa mang nhiều yếu tố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (dự án được hình thành trên cơ sở khai thác công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh) nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, bền vững trên thị trường.

- Nhiều sản phẩm được ưa chuộng nhưng hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị sản phẩm còn thấp, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sức bật, khả măng cạnh tranh trên thị trường.

5. Định hướng về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới

- Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và vai trò, vị trí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động KNĐMST… nhằm từng bước định hướng để hình thành và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp ĐMST của tỉnh; tiếp tục thông tin, tuyên truyền, triển khai có hiệu quả "Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh" nhằm tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng để thương mại hoá, đưa sản phẩm ra thị trường góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương: hình thành Không gian làm việc chung phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST, làm cơ sở cho việc hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.

- Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: kết nối, liên kết và hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ về khởi nghiệp ĐMST. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng, miền, địa phương nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm của tỉnh

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với các địa phương khác; thúc đẩy hoạt động hợp tác, kết nối với các tỉnh/thành có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh như: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu,…

Từ các vấn đề nêu trên, việc hình thành hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về KNĐMST, thúc đẩy hình thành, đưa sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra thị trường, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong xu thế hội nhập và cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0./.


Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây