Đề án 554 có 4 Tiểu đề án và được giao cho 4 cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Tiểu đề án 1: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn”; UBND tỉnh (Phòng Dân tộc) chủ trì thực hiện Tiểu đề án 2 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số”; Hội Nông dân tỉnh chủ trì thực hiện Tiểu đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì thực hiện Tiểu đề án 4 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số”.
Các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện đã tuyên truyền phổ biến các Luật có liên quan đến người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Đất đai; Luật Hợp tác xã; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Thuỷ sản; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Đê điều; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dân sự; Luật Hình sự; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Chống bạo hành gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo hiểm; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật cán bộ, công chức; Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Pháp lệnh về thú y; Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng.
Hình thức tuyên truyền miệng được các đơn vị sử dụng rộng rãi thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, mở các lớp tập huấn hoặc tổ chức ngày pháp luật. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được các đơn vị quan tâm, áp dụng như: Phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh, Trung tâm Khuyến nông mở chuyên trang, chuyên mục về xây dựng nông thôn mới, khuyến nông...để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Các đơn vị thực hiện các Tiểu Đề án cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật như: An toàn giao thông liên xã (gồm 4 đội tham gia/20 thí sinh), Nông dân với pháp luật (có 160 có 160 cán bộ, hội viên tham dự), Nông dân với An toan giao thông, Phụ nữ với pháp luật, tuyên truyền viên với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật….
Các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể hoà giải 4.224 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, trong đó hoà giải thành 2.796 vụ, chuyển về trên 1.465 vụ; trợ giúp pháp lý 2.268 lượt cho 42.683 người. Đến nay toàn tỉnh có 87 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” được duy trì, sinh hoạt đinh kỳ và hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao ý thức của hội viên, nông dân trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2011 và 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các cấp được củng cố, tăng cường, mở rộng và được bồi dưỡng kiến thức, kỷ năng để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật được lựa chọn thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đổi mới, vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cụ thể của đối tượng, địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình hay, sinh động thiết thực được các cơ quan, đơn vị chủ trì áp dụng như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hội thi; tư vấn, lồng ghép tuyên tuyền phổ biến pháp luật với trợ giúp pháp lý; phát hành tài liệu dưới dạng hỏi đáp dễ hiểu, dễ nhớ.
Nhật Quang
Ý kiến bạn đọc