Nổi bật là đã kịp thời tham mưu, đề xuất hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, trong đó có phần liên quan đến tội phạm mua bán người và trình Quốc hội thông qua; công tác phòng ngừa tội phạm có chuyển biến rõ nét, thông qua tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông cộng đồng, xây dựng và duy trì hàng ngàn mô hình truyền thông lồng ghép hiệu quả; công tác phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án mua bán người phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương và ra nước ngoài, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người đạt trên 90%; các ngành tư pháp phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân được kịp thời; hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu hồi hương nạn nhân được quan tâm và hiệu quả hơn; từng bước nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa về phòng, chống mua bán người.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị, địa phương công tác nắm, dự báo tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người vẫn là khâu yếu, nên chưa kịp thời tham mưu cho các cấp lãnh đạo đề ra các kế hoạch, biện pháp đấu tranh ngăn chặn; công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ về phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người có nơi, có lúc còn nhiều tồn tại. Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự, công nghệ thông tin, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân để lừa đưa ra nước ngoài bán, nhất là hoạt động môi giới kết hôn với người nước ngoài, xuất cảnh trái phép, lao động thời vụ, cho nhận con nuôi, mua bán nội tạng…
Trên cơ sở nhận xét, đánh giá tình hình chung như đã nêu trên và các phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết (ngày 26/7/2017), cơ quan Thường trực Chương trình 130/CP đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 và năm 2017; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đã ban hành từ đầu năm. Tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết Chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 06 tháng đầu năm và tổng kết năm 2017.
Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" (theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 và Kế hoạch số 135/KH-BCĐ ngày 17/5/2017), gồm:Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người tại Đồng Tháp (dự kiến cuối tháng 7/2017); Tổ chức các hội thảo chuyên đề, như: Hội thảo phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia; hội thảo phòng, chống mua bán người trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên; hội thảo phòng, chống mua bán người thông qua kết hôn có yếu tố nước ngoài, để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn; Tổ chức tập huấn liên ngành về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các tin bài, phóng sự, phim tài liệu, tăng thời lượng, tần suất phát sóng, đưa tin về phòng, chống mua bán người, các hoạt động kỷ niệm, hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7"; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, tập huấn hội thảo, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật… lồng ghép với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ nhằm tạo sự lan tỏa và thu hút quần chúng nhân dân tham gia.
Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng kế hoạch hướng dẫn toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, trong đó có phần liên quan đến tội phạm mua bán người; xây dựng dự kiến kế hoạch công tác trọng tâm năm 2018, trong đó có rà soát đánh giá tác động 05 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an (chủ công là Cảnh sát Hình sự) phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời tham mưu xử lý thông tin tội phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ, xác lập chuyên án, tổ chức điều tra bóc gỡ triệt để tội phạm, nhất là truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu, môi giới, cò mồi tại các đường dây mua bán người, xuất cảnh trái phép và tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động thời vụ; triển khai Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người (từ 01/7-30/9/2017); phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người; tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm và tuyên truyền phòng, chống mua bán người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể thực thi chính sách đối với trẻ em là con của phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về Việt Nam sinh sống để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân, tạo các điều kiện để họ hòa nhập xã hội, gia đình; báo cáo kết quả và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả các dịch vụ và cơ sở vật chất hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; xây dựng, triển khai dự án "Đường dây tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người" giai đoạn 2017-2020; nghiên cứu xây dựng cơ chế chuyển tuyến nạn nhân và thực hiện quy trình về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Các bộ, ngành thành viên và các địa phương quann tâm tăng cường việc Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; Ban Chỉ đạo 138/CP thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, hướng dẫn nhằm đánh giá tình hình, kết quả và đề xuất các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2017 lồng ghép với Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, sơ tổng kết theo chuyên đề, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017 và dự kiến phương hướng công tác trọng tâm năm 2018.
QD