Phụ huynh và học sinh tại một nhà sách trên địa bàn Thành phố.
Qua khảo sát có thể thấy, thị trường sách giáo khoa không có nhiều biến động so với năm trước. Được biết, trong năm học mới này, có một số ít công ty phát hành sách tham gia chương trình bình ổn giá thị trường, nhìn chung đều áp dụng chương trình khuyến mãi dưới hình thức giảm 10% cho mỗi bộ sách giáo khoa bán ra.
Tính theo mức giá chưa giảm, bộ sách lớp 1 có giá thấp nhất là 129.200 đồng, sách lớp 12 có giá cao nhất là 252.000 đồng.
Thị trường sách giáo khoa năm nay xuất hiện sách của chương trình cải cách VNEN- dự án trường học mới dành cho các khối lớp 2, 3, 4, 5; giá mỗi bộ thấp nhất là 160.100 đồng.
Ông Lê Hoàng Cương- Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, năm học 2017 - 2018, chương trình VNEN vẫn còn đang thí điểm ở một số trường, chưa áp dụng chính thức, do đó, có một số trường chủ động đăng ký mua sách từ Bộ Giáo dục cho các em học sinh vì lo phụ huynh sẽ mua không đúng sách cải cách. Vì lý do như thế, sức mua sách giáo khoa cho khối tiểu học trên thị trường có giảm chút ít.
Để kích cầu, nhiều trung tâm và cửa hàng sách tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5 - 30% khiến thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập trở nên sôi động hơn.
Chị Phương Thị Hoài Dung, 32 tuổi, Cửa hàng trưởng của Công ty cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh cho biết, cửa hàng bắt đầu nhập sách giáo khoa từ giữa tháng 7.
Ngoài việc được giảm giá 10% khi khách hàng mua sách giáo khoa bất kỳ từ khối lớp 1 đến lớp 12, cửa hàng còn nhiều chương trình khuyến mãi như: mua 1 bộ sách giáo khoa được tặng kèm một voucher giảm giá 5% khi mua dụng cụ học tập và sách tham khảo; mua 5 quyển tập học sinh được tặng 1 quyển cùng loại; mua hàng hoá đơn trên 200.000 đồng sẽ được giảm 10% khi mua thức uống tại dịch vụ cà phê sách của công ty.
Cạnh tranh không kém Công ty cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh, hai nhà sách lớn tại thành phố Tây Ninh là Nhật Vũ (trên đường Nguyễn Thái Học, phường 2) và Kiều Trâm (trên đường Võ Thị Sáu, phường 3) cũng áp dụng chương trình giảm giá 10% sách giáo khoa, 10 - 25% sách tham khảo cùng nhiều ưu đãi khác.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các nhà sách đều chủ động về nguồn sách sớm hơn, từ tháng 5 đến tháng 7. Vì vậy, nguồn cung ổn định và doanh số bán ra cũng khá hơn năm trước. Các nhà sách cam đoan bán sách “chính hiệu” của Nhà xuất bản Giáo Dục, không bán sách giả.
Bên cạnh đó, các loại tập vở học sinh và đồ dùng học tập như bút, thước kẻ, tẩy, hộp bút, cặp sách... đều rất đa dạng với nhiều mẫu mã, chất lượng và giá cả khác nhau. Nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam như: đồ dùng học tập của Thiên Long, Hồng Hà, Bến Nghé; vở của Tiến Phát, Vĩnh Tiến, Tân Thuận Phát… được đa số học sinh và các bậc phụ huynh ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập của người dân trên địa bàn.
Ngoài các mẫu mã truyền thống, cặp sách, ba lô, túi xách xuất hiện ngày càng nhiều mẫu mã mới lạ, hình ảnh ngộ nghĩnh, thiết kế khoa học như cặp sách quai đeo lót da, lót vải bông hút mồ hôi, chống đau vai, ba lô chống gù lưng, ba lô siêu nhẹ, ba lô đa chức năng sử dụng- vừa là ba lô vừa là cặp… phù hợp với các đối tượng học sinh.
Giá cả cũng phong phú, từ 120.000 - 300.000 đồng/chiếc tuỳ chất liệu. So với các cửa hàng lớn thì các sạp trong chợ bán với giá mềm hơn từ 10.000 - 20.000 đồng trên một sản phẩm cùng loại.
Hiện nay, hầu hết các trường học từ bậc tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều đặt may quần áo đồng phục có kiểu dáng và logo riêng cho học sinh trường mình.
Vì vậy, các cửa hàng, sạp bán đồ đồng phục học sinh ngày càng ít. Tuy nhiên, vẫn có một số trường không trực tiếp cung cấp đồng phục cho học sinh mà chỉ đưa ra mẫu để các bậc phụ huynh tự mua sắm cho con em mình.
Nhiều phụ huynh mua cho con cùng lúc 2, 3 bộ đồng phục để tiện thay đổi hằng ngày. Qua khảo sát thị trường, đồng phục học sinh cũng khá phong phú về chủng loại, chất liệu, giá cả lại hợp lý.
Đồng phục nữ, giá trung bình từ 90.000 - 150.000 đồng/bộ, đồng phục nam giá có nhỉnh hơn một chút, cũng chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng/bộ. Theo lời bà Nga- một tiểu thương ở chợ Hiệp An (Hoà Thành), những năm trước, bà chủ yếu nhập hàng từ các chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm nay, bà đặt hàng các xưởng may tại Tây Ninh và thấy giá cả “mềm” hơn trong khi chất lượng thì không thua kém. Điều này chứng tỏ thị trường hàng may mặc trong tỉnh đã có bước phát triển đáng kể.
Vào thời điểm này, tại các cửa hàng cũng như các sạp hàng ngoài chợ, mặt hàng giày dép được bày bán rất nhiều. Các loại giày quai hậu và giày thể thao được khách hàng là phụ huynh học sinh chọn mua khá nhiều. Giá cả mặt hàng này dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/đôi tuỳ chất liệu.
Chị Phạm Thị Ngọc Đựng, 40 tuổi, nhà ở phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh đang mua sắm tại shop Thuỳ Trang (xã Hiệp Tân - Hoà Thành) cho biết: “Tôi mua sách và đồ dùng học tập cho con mình từ tháng 6; đến nay mới bắt đầu mua quần áo và giày dép cho cháu. Do không đủ điều kiện để mua một lần nhiều thứ nên mỗi lần, tôi chỉ mua một ít để chuẩn bị cho con vào năm học mới”.
Nhìn chung, thị trường sách, đồ dùng học tập và các mặt hàng đồng phục, giày dép ở Tây Ninh đã có sự thay đổi về mẫu mã, phong phú về chất liệu nhưng không có nhiều biến động về giá cả.
Một số mặt hàng tuy tăng giá nhưng vẫn nằm trong mức phù hợp với thu nhập của người dân trên địa bàn. Các bậc phụ huynh năm nay lựa chọn sản phẩm hàng Việt nhiều hơn so với hàng Thái Lan, Trung Quốc.
Theo Báo Tây Ninh Online