Một nông dân sáng tạo máy vận chuyển lúa trong ruộng lầy phục vụ bà con nông dân.
Đầu tháng 6, trên nhiều cánh đồng huyện Bến Cầu, những chiếc máy cày, bừa tất bật trên từng thửa ruộng. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, 1 ha ruộng đã được cày, bừa xong. Sau đó, nông dân chỉ việc kè lại bờ ruộng và sạ lúa, không còn phải dùng trâu, bò cày bừa như trước đây.
Ông Nguyễn Thành Tấn- ngụ xã Long Khánh, huyện Bến Cầu bộc bạch: “Từ xưa, làm nông luôn cực nhọc hơn nhiều nghề khác. Nhưng ngày nay, nông dân khoẻ hơn nhiều, bởi đã có máy móc làm thay sức người- từ làm đất đến thu hoạch. Nông dân chỉ tốn công chăm sóc, trông coi thôi”.
Theo lời ông Tấn, nhiều cánh đồng tại xã Long Khánh trước đây luôn thiếu nước vào mùa mưa, sản lượng lúa không cao. Tuy nhiên, trong vòng 2, 3 năm trở lại đây, hệ thống kênh mương được xây mới, đưa nước về đồng ruộng nên năng suất lúa tăng đáng kể, lợi nhuận cao hơn. Bởi khi có hệ thống kênh mương, nông dân có điều kiện thâm canh, áp dụng cơ giới giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, gần như không còn cảnh nông dân dùng trâu bò để cày bừa ruộng, phải vác lúa, vác rạ xa hàng trăm mét, bởi tất cả những công việc này đã có máy móc đảm nhận.
Theo chị Trương Thị Thu Hảo- ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành, mỗi năm gia đình chị chỉ sản xuất 1 vụ lúa, thời gian còn lại thì trồng đậu các loại. Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp khác, mỗi khi đến mùa vụ đều phải huy động sức của toàn bộ thành viên trong gia đình, còn thuê thêm nhân công mới làm xuể các công việc cày bừa, sạ lúa, gặt hái. Nhưng từ khi đưa cơ giới hoá vào sản xuất thì vào những vụ gieo trồng, thu hoạch đã không còn là nỗi lo của gia đình. Ngay cả khi lúa đổ ngã cũng có máy phóng nên không quá cực nhọc nữa”.
Theo tính toán của bà con nông dân và các cán bộ chuyên môn, nếu lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hoá đồng bộ thì không chỉ tăng năng suất từ 15-20% trên cùng một diện tích, mà còn giảm chi phí đầu tư ban đầu từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ. Nếu thu hoạch lúa bằng phương pháp bán thủ công, trên 1 ha lúa cần phải có từ 20- 25 nhân công làm trong vòng 1 ngày, với giá thuê khoảng 160.000 -180.000 đồng/người/ngày, cùng tiền thuê máy đập lúa khoảng 3 triệu đồng, nên tổng chi phí lên đến 6-7 triệu đồng. Từ ngày dùng máy gặt đập liên hợp, chi phí giảm xuống chỉ còn khoảng 2-3 triệu đồng/ha, thời gian thu hoạch chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ; lợi nhuận thu về cao hơn so với thu hoạch thủ công từ 5- 6 triệu đồng/ha/vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Chân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Khánh, thời gian qua, các cấp, các ngành rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ nông dân mua sắm hoặc thuê phương tiện cơ giới để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Từ đó nông dân có điều kiện đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận hằng năm.
Tuy nhiên, thực tế, việc áp dụng cơ giới vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Đó là hạ tầng giao thông nội đồng chưa được đầu tư đều khắp; nhiều lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo; giống lúa chất lượng cao khan hiếm; chất lượng vật tư chưa được kiểm soát, gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng… Đây là những trở ngại đang làm hạn chế tiến độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, nông dân Tây Ninh cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp nông dân an tâm ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.
Theo Báo Tây Ninh Online