Kinh tế đang phục hồi nhưng còn nhiều điều phải lo

Thứ năm - 26/06/2014 00:00 74 0
Ngày 19.6, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của 9 huyện, thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014. Dưới đây là bài lược ghi tại cuộc họp.

Thương mại hiện đại văn minh đang phát triển tại Tây Ninh- Trong ảnh: hoạt động kinh doanh trong siêu thị Co.opMart  thành phố Tây Ninh.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, trong 6 tháng qua, kinh tế trong tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có những khó khăn, hạn chế ở nhiều lĩnh vực cần sớm được tháo gỡ.

Nhiều chỉ số tăng trưởng

Theo số liệu do Sở Kế hoạch - Đầu tư công bố, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 9% so với cùng kỳ. Các ngành đóng góp vào tốc độ tăng 9% bao gồm: công nghiệp - xây dựng 4,7%; dịch vụ 2,7%; nông - lâm - thuỷ sản 1,6%. Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản có nhiều khởi sắc. Tính đến đầu tháng 6, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm là 172.508 ha (so cùng kỳ tăng 3,2%). Diện tích gieo trồng tăng ở cây bắp, mì, đậu phộng và rau các loại, riêng diện tích trồng mía và lúa giảm.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện gần 1 tỷ USD (tăng 14,2%). Tuy nhiên, các chỉ số tăng lại chủ yếu diễn ra ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực dân doanh và khu vực Nhà nước thì giảm. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu là giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm bằng gỗ, cao su và bột mì.

Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 599,3 triệu USD (tăng 29,4%). Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhập khẩu là xơ sợi dệt, thực phẩm chế biến, phụ liệu giày dép, máy móc, thiết bị, vải may mặc, hàng điện tử, phụ liệu hàng may mặc.

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tổng mức đầu tư nước ngoài vào địa bản tỉnh đạt gần nửa tỷ USD- tăng 2,6 lần so với thời điểm này của năm 2013.

Thu hút đầu tư trong nước đạt 648,4 tỷ đồng, bằng 47,7% so cùng kỳ. Tuy vậy, trong 6 tháng qua, tỉnh cũng thu hồi, chấm dứt hoạt động 11 dự án gồm 1 dự án nước ngoài, 10 dự án trong nước.

Thực hiện chủ trương đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã hoàn chỉnh các thủ tục để cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh theo lộ trình; sắp xếp và kết hợp di dời Công ty TNHH MTV Cơ khí Tây Ninh, đồng thời sáp nhập Công ty cổ phần Thiết bị cơ nhiệt vào Công ty này. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh theo kế hoạch đã phê duyệt theo hướng tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đối với ngành nghề, lĩnh vực ngoài ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các Khu công nghiệp Trảng Bàng, khu công nghiệp và dịch vụ Bourbon - An Hoà, Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông Bời Lời, Khu công nghiệp Chà Là đều cho ra những chỉ số tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Tây Ninh đang tập trung đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, theo đó các dự án thương mại dịch vụ được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã hoàn chỉnh thủ tục, các chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai xây dựng. Riêng dự án Trung tâm Thương mại Gò Dầu, chủ đầu tư đang gặp khó khăn nên tiến độ xây dựng rất chậm, tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Đối với các dự án thương mại dịch vụ mới kêu gọi đầu tư (như Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Toyota) các chủ đầu tư đang hoàn chỉnh thủ tục về đất đai, chứng nhận đầu tư, thiết kế… để triển khai xây dựng (dự kiến trong quý III/2014 khởi công xây dựng). Trung tâm thương mại của Công ty Phan Khang- chủ đầu tư đang kiến nghị mở rộng diện tích. Còn về dự án khu C-D Trung tâm Thương mại Long Hoa, do chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện nên tỉnh đã thu hồi, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư khác tham gia thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiếp tục mời gọi xây dựng siêu thị tại các huyện Tân Châu, Gò Dầu.

Kinh tế xã hội – vẫn còn những bài toán khó

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt được tăng so với cuối năm 2013, trung bình mỗi xã đạt hơn 9 tiêu chí. Các nhóm xã dẫn đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới gồm Bến Củi, Phước Đông (đạt 16/19 tiêu chí); Phước Trạch, Long Thành Trung, Long Thành Bắc (đạt 15/19 tiêu chí). Đối với 9 xã trọng điểm, đến nay bình quân mỗi xã đạt 13 tiêu chí (tăng 9 tiêu chí so với năm 2010).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện song vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng chưa bền vững, còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro do thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ cũng còn thấp so kế hoạch.

Số doanh nghiệp đăng ký mới có tăng cao so với cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng tăng, trong khi đó số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỷ trọng cao (45%) trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Thu hút đầu tư trong nước giảm 52,3% so cùng kỳ, còn nhiều dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ.

Về tình hình thu ngân sách, đặc biệt số thu nội địa đang gặp khó khăn. Việc giải ngân trong lĩnh vực xây dựng cơ bản còn chậm, nhất là lĩnh vực liên quan đến vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Công tác kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng đạt kết quả thấp. Những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là tình hình giá cả hàng hoá nông sản đã làm cho một bộ phận người dân- nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn.

 Những bất cập cần được tháo gỡ

Tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo các huyện và thành phố trong tỉnh đã phát biểu về nhiều vấn đề mắc mứu cần sớm được tháo gỡ ở địa phương mình.

Đại diện UBND huyện Tân Châu cho rằng xây dựng nông thôn mới còn lắm điều bất cập, một trong những bất cập ấy là tiêu chí về môi trường. Theo vị này, nếu làm nghiêm túc, khoa học thì tiêu chí về môi trường khó đạt vì nước thải của các cơ sở sản xuất, chế biến mì, cao su chưa đạt tiêu chuẩn.

Cũng liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đại diện UBND huyện Châu Thành cho biết, địa phương này đang thiếu kinh phí thực hiện. Lãnh đạo huyện Bến Cầu bày tỏ mối lo ngại về tình hình tai nạn giao thông ở địa phương đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, chưa kiềm chế được. Tính đến thời điểm tháng 6.2014, tổng số người chết do tai nạn giao thông đã vượt gấp đôi “chỉ tiêu đề ra”. UBND huyện Bến Cầu cũng kiến nghị tỉnh quan tâm xây nhà công vụ cho giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và THPT Nguyễn Huệ vì hiện các thầy cô giáo không có chỗ ở. Liên quan đến giáo dục, Bến Cầu đề nghị xây thêm 4 phòng học cho Trường mẫu giáo 15.3. Vị lãnh đạo huyện này cho rằng tiêu chí thu nhập 30 triệu đồng/người/năm tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới là không dễ đạt được.

Là trung tâm thương mại của tỉnh nhưng huyện Hoà Thành hiện đang gặp khó khăn về thu ngân sách, đến thời điểm này chỉ mới đạt 33%. Liên quan đến giáo dục đào tạo và dạy nghề, UBND huyện Hoà Thành đề nghị tỉnh xem xét chuyển kế hoạch xây 15 phòng học cho Trường THCS Trần Bình Trọng thuộc đề án kiên cố hoá cho hai trường tiểu học khác, vì Trường Trần Bình Trọng phải xây thành trường chuẩn quốc gia để bảo đảm các tiêu chí của xã nông thôn mới.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh kiến nghị xem lại tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia cho phù hợp thực tế. Ấp Giồng Cà, xã Bình Minh thuộc địa bàn Thành phố nhưng dân số rất ít, tổng số học sinh tiểu học của ấp này chưa năm nào quá 150 em nên việc xây trường chuẩn quốc gia là lãng phí. Vì thế, có ý kiến nên ghép trường này với trường khác nhưng điều này lại vướng quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (vì trường chuẩn quốc gia thì không có cơ sở 2). Nếu bắt buộc phải xây trường chuẩn quốc gia thì cuối năm nay xã Bình Minh chưa thể đạt chuẩn nông thôn mới, cho dù 18 tiêu chí còn lại đều đạt. Theo vị đại diện UBND thành phố Tây Ninh, cũng nên xem lại quy định về tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá trong nông thôn mới bởi có nhiều điều không thực tế. Để phát triển du lịch, thành phố Tây Ninh đề xuất thành lập khu du lịch nhà vườn - mãng cầu xung quanh khu vực quần thể núi Bà Đen.

Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đã giải đáp một số thắc mắc cùng đề xuất của các huyện và thành phố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ đề nghị của UBND thành phố Tây Ninh về điều chỉnh việc xây trường học- chuyển kinh phí xây Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở ấp Giồng Cà sang xây Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình ở ấp Bình Trung (xã Bình Minh).

Liên quan đến tình trạng nông dân chặt bỏ cây cao su, bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tình hình chưa đến mức lo ngại, vì trong tổng số 1.873 hecta cao su bị chặt từ đầu năm đến nay có hơn 1.500 hecta cao su già cần thanh lý, số còn lại là cao su trẻ tuổi.

Về tình hình an ninh trật tự, lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 293 vụ trộm cắp, phát hiện 2.300 người nghiện ma tuý. Tỷ lệ tái nghiện khoảng 85%. Nghiện ma tuý luôn đồng hành với tội phạm trong khi mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đạt hiệu quả thấp. Hiện nay cả 95 xã, phường trong tỉnh đều có người nghiện ma tuý.

Cuối cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Bà yêu cầu lãnh đạo chính quyền các cấp tập trung điều hành phát triển kinh tế, chuẩn bị tu sửa cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới; các cơ quan thực hành tiết kiệm, hạn chế tổ chức hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài- nếu không thật sự cần thiết.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây