Lễ hội Kỳ yên bản sắc ở đình Trường Đông

Thứ tư - 19/02/2014 00:00 41 0
Điều đáng ghi nhận nhất ở đình Trường Đông, vẫn là một lễ cúng đình truyền thống với sự tham gia của các lễ sinh dâng cúng theo nghi thức nghiêm trang, trên nền nhạc lễ và bài ca của đội nhạc lễ và các đồng nhi.

 

Sân đình ngày hội

Chẳng thể ngờ rằng ở một ngôi đình nhỏ, vùng ngoại vi thành phố Tây Ninh này lại có một ngày hội đình (lễ Kỳ yên) vui đến thế! Chẳng cứ người già, người trẻ trong xã mà cả thanh niên nam nữ từ Bến Cầu qua, từ Gò Dầu lên, từ Thành phố về… cũng chen chúc nhau trên khoảng đất ven sông rất hẹp trước sân đình. Hay do đấy từng là một bến sông rất nên thơ, với những cây gừa, cây sanh, si rậm lá ngả mình ra sông, chở che những chiếc xuồng nằm sắp lớp? Kìa các em gái rủ nhau bám cành gừa ra những con xuồng xa nhất để chụp ảnh. Còn mấy cậu trai quê xa đã nhanh chân chiếm một góc sân bến bê tông để bày tiệc rượu, vừa hưởng gió mát Vàm Cỏ Đông lồng lộng, vừa đã mắt coi người ta đi dự hội đình.

Đình Trường Đông nằm ở ấp Trường Ân, chỉ cách TP.Tây Ninh 12 cây số. Từ đây đến thị trấn Gò Dầu cũng chỉ hơn 25km. Những xã mượt mà xanh lúa của Bến Cầu như Lợi Thuận và Tiên Thuận thì ở ngay bên kia sông. Bên ấy cũng có ngôi đình cổ mang tên Bàu Gõ. Để đến nay vùng thềm sông vẫn lưu dấu một câu ca: “Lấy chồng Bàu Gõ nước mắt nhỏ hai hàng”. Có phải là tâm sự của cô gái Trường Đông, phải qua sông lấy chồng bên Lợi Thuận?

Câu ca còn. Và cả những tập quán xưa cũng không thể mất! Nói như lời cụ Lê Văn Năm, đã 84 tuổi- là cố vấn của Ban Hội đình, trong bài diễn văn nhắc nhớ truyền thống của hội đình hôm 16 tháng Giêng là: “Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, luôn luôn tôn kính các bậc tiền nhân có nhiều công lao to lớn… Biết bao anh hùng chiến sĩ, tướng quân áo vải cờ đào, phò vua dẹp giặc đuổi thù giúp nước, rồi khai khẩn đất đai, khai hoang phục hoá, dẫn thuỷ nhập điền, mở mang bờ cõi xây dựng xã, ấp, xóm làng để người dân có nơi an cư lạc nghiệp. Đình làng thờ thành hoàng bổn cảnh và những người có công với dân với nước…”.

Và rồi, theo tinh thần ấy để mỗi năm làng xã lại mở lễ hội Kỳ yên. Chuyện này đã có tự trăm năm.

Điều đáng ghi nhận nhất ở đình Trường Đông, vẫn là một lễ cúng đình truyền thống với sự tham gia của các lễ sinh dâng cúng theo nghi thức nghiêm trang, trên nền nhạc lễ và bài ca của đội nhạc lễ và các đồng nhi. Tiếng trống khoan thai, mõ kêu đĩnh đạc và tiếng chiêng điểm nhịp làm nền cho lễ cúng. Các vị chánh tế, bồi tế, chánh bái, bồi bái… đều phục trang khăn đống, áo dài xanh. Lễ sinh áo thụng, mũ cao, từng bước đi khoan thai. Chánh tế dâng đọc sớ cầu an trang trọng…

Nhưng phần thu hút nhất với các bạn trẻ còn ở ngoài kia, trên khoảng hẹp sân đình. Dù nắng gần trưa đã gay gắt, nhưng người ta vẫn đứng, ngồi chờ chực, nhất là các cô cậu bé. Phần múa lân sau đây có đặc biệt gì chăng?

Vâng! Quả nhiên trên sân đã có thêm một chiếc lều kết bằng cây lá. Ông Địa đã lẻn vào, nằm vắt chân chữ ngũ, tay ve vẩy quạt mo. Thì ra phần hội múa lân ở đình Trường Đông có cả một kịch bản hẳn hoi, như một câu chuyện kể bằng vũ đạo của con lân, ông Địa với nhiều tình tiết có phần lý thú. Những vũ điệu cuốn hút nhất khi con lân tìm mọi cách kéo ông Địa ra chơi; hoặc con lân say rượu, con lân và ông Địa tranh nhau tiền mừng tuổi… khiến trẻ em vô cùng thích thú, có lẽ bởi đây cũng là những chuyện từng xảy ra trong cuộc sống đời thường.

Một phần hấp dẫn nữa, còn phải chờ đến chính ngọ (12 giờ trưa) là nghi thức thả thuyền, tiễn các quan binh về lại nơi thế giới các ngài cư trú. Thuyền cũng đã sẵn sàng rồi kia, đặt ngay ngắn trước miếu thần Nông. Thuyền được làm bằng bìa cứng phết giấy màu xanh đỏ, treo cờ và có số hiệu hẳn hoi: 70 H 157. 57. Đến giờ, sẽ có lân, ông Địa múa tiễn đưa, rước xuống ghe rồi chở ra giữa sông mới thả.

Trên thuyền đã có đặt thịt heo, thịt vịt, gạo, muối, tiền vàng cho các ngài dùng. Chỉ cần một hiệu lệnh nữa là các em thiếu nhi sẽ nhảy xuống ghe đưa tiễn thuyền ra giữa sông. Còn trong khi chờ đợi, các vị trong ban hội đã dỡ những mâm xôi đầy tú ụ xuống chia cho các bạn lót lòng. Trời đã vào trưa, nắng gắt nhưng hầu như không ai thấy nóng. Lễ hội Kỳ yên đình Trường Đông vẫn còn rôm rả sang tới buổi chiều.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây