Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ

Thứ hai - 18/05/2015 14:00 138 0
Dù chưa lần nào vinh dự đón Bác về thăm nhưng lòng dân Tây Ninh luôn có người hiện diện, vì Bác là Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác là cách mạng. Nghe theo Bác, nhân dân Tây Ninh đã chiến đấu anh dũng, xứng đáng với danh hiệu “Tây Ninh trung dũng kiên cường”.

long dan 4.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng chiến sĩ miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15.11.1965. Ảnh: TTXVN

Một ngày cuối tháng Tư, tình cờ tôi và cha tôi cùng có mặt trong buổi họp mặt những người làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo qua các thời kỳ. Tôi đã biết cha mình từng công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ từ thời kháng chiến. Sau ngày giải phóng, gia đình chúng tôi sống tập thể trong khuôn viên Ban Tuyên huấn (giờ là trụ sở Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) một vài năm rồi mới chuyển đi. Quãng đời trai trẻ của cha, tôi chỉ được biết qua những mẩu chuyện nhỏ, mà lúc thật cao hứng cha tôi mới chịu kể.

Chỉ đến buổi họp mặt, khi được mời lên bục, cha tôi mới kể thêm vài mẩu chuyện về khoảng thời gian công tác trong ngành Tuyên huấn với vai trò một điện báo viên. Có một câu chuyện mà tôi phải vội vàng mở sổ tay ghi lại vài dòng để sau này có dịp tìm hiểu thêm, đó là chuyện về ngôi đền thờ Bác Hồ do cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ dựng ở rừng Tà Bôi (biên giới Campuchia) ngay sau ngày Bác mất- 2.9.1969.

Tôi lần giở quyển "Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ" do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh ấn hành cách đây 25 năm, giấy đã úa vàng, chữ cũng bắt đầu phai mờ. Đọc câu chuyện về cái ngày Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức trọng thể lễ tang Bác Hồ trong nước mắt hay chuyện hoạ sĩ Tam Bạch (Ba Trắng) và hoạ sĩ Võ Đồng Minh cấp tốc vẽ tranh Bác, chuyện Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ dốc công, dốc sức dựng ngôi đền thờ ở giữa rừng… mới thấy rõ niềm kính yêu, thương tiếc vô hạn của quân và dân Tây Ninh khi Bác ra đi. Trước đó, từ tháng 3.1968, Bác đã từng yêu cầu Bộ Chính trị chấp thuận cho Bác vào thăm miền Nam. Bác gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn đề nghị được cải trang thành người "làm công" trên một chiếc tàu thuỷ vượt biển vào Nam. Bác viết: "…Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi. Lúc đến anh em trỏng (Trung ương Cục miền Nam - NV) chỉ phụ trách đón khi tàu cập bến Miên (Campuchia – NV) và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy. Ở lại. Tuỳ điều kiện mà quyết định: ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định…". (Anh Sáu tức đồng chí Lê Đức Thọ; anh Bảy tức đồng chí Phạm Hùng - NV). Khi đó, nếu tình hình chiến sự miền Nam không quá ác liệt, biết đâu chừng, Tây Ninh- nơi đứng chân của Trung ương Cục đã được vinh dự đón Bác vào thăm.

Ngày Bác mất, giữa rừng Tà Bôi, ông Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải)- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh nghẹn ngào đọc bản điếu văn: "… Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại… Vĩnh biệt Người, chúng ta thề giương cao mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người… Hồ Chủ tịch đã qua đời nhưng Người luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy luôn luôn có Người bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta…".

 Trong những giây phút hồi tưởng, ông Bảy Hải kể lại: "Có lẽ khi ấy, các đồng chí ở Tuyên huấn là chịu cảm giác nặng nề nhất. Bởi vì các đồng chí ấy phải làm cái công việc mà mọi khi rất bình thường nhưng trong trường hợp này là quá sức chịu đựng: chép lại nội dung lễ tang do Đài Phát thanh Hà Nội đọc chậm. Dù người đọc thì đọc chậm nhưng người viết cứ sợ không viết kịp, những dòng chữ cứ run lên. Ai đã vừa khóc vừa viết mới cảm hết cái nặng nề ấy… Quá thời gian quy định để tang một tuần rồi mà nhiều người vẫn còn giữ mảnh vải tang trên ngực. Nhiều ngày sau đó không khí vẫn là u buồn bao trùm. Mạnh ai nấy khóc, không một tiếng động mạnh, không một tiếng nói lớn".

Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ quyết định xây dựng đền thờ Bác với vật tư và phương tiện tự tạo. Bản thiết kế ngôi đền do ông Phan Văn (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) phụ trách, phần thi công do ông Vũ Đài Quang chịu trách nhiệm. Hoạ sĩ Tam Bạch lo việc trang trí nội thất, ông Hồ Văn Đông lãnh công tác hậu cần và khâu bảo vệ.

Theo thiết kế, đó là một ngôi đền uy nghiêm. Ở phần chính điện, đền thờ được thiết kế hai mái để thông sáng cho nội thất, làm bật lên các màu sắc khác nhau của tường gạch, cột, đỉnh trầm hương và bệ thờ - một đài sen đang nở, bên trên đặt tượng Bác. Để bảo toàn bí mật của cơ quan, gỗ phải được lấy từ một khu rừng cách căn cứ khoảng 5 cây số. Khi đó trảng đang ngập nước nên khi đốn gỗ xong, cán bộ, nhân viên Ban cho cây xuống nước đẩy về, mặc cho giữa trảng có nơi nước sâu đến ngực. Thường thì quá nửa đêm, số cán bộ, nhân viên đi đốn gỗ mới nghỉ ngơi được.

Ngôi đền hình thành sau gần một tháng thi công khẩn trương. Tường và cột được sơn màu vàng nhạt. Do gạch không nung nên những người thi công dùng gỗ để bảo đảm sức chịu đựng rồi ốp gạch bên ngoài. Vách thờ có hoa văn nổi tô màu đỏ, được trang trí thêm một lồng đèn hình ngôi sao năm cánh. Bệ thờ màu xanh, đài sen màu trắng, trên đèn sen không phải là pho tượng Bác như thiết kế ban đầu vì không đủ điều kiện, thời gian nên thay vào đó là bức chân dung Bác do hoạ sĩ Tam Bạch vẽ. Đó là bức tranh được mọi người công nhận rất đẹp. Riêng tác giả thì cho đó là bức tranh tâm đắc nhất của mình từ khi bắt đầu cầm cọ.

Không chờ đến khi công trình xây dựng xong, hằng ngày cán bộ và bà con trong vùng đều đến xem, động viên anh em làm việc. Khi đền hoàn thành, đồng bào mang hương, trà, quả đến để tưởng niệm Bác. Nhà in Hoàng Lê Kha in những tấm thiệp nhỏ, giới thiệu khái quát về công trình để phát tặng đồng bào cùng cán bộ chiến sĩ đến viếng Bác. Tiểu đoàn 14 sau mỗi trận đánh đều đến đây báo công với Người. Đồng bào Việt Nam, Khmer hai bên biên giới và cả người dân trong vùng tạm chiếm cũng thường đến viếng, thắp hương trên bàn thờ Bác, có lúc đông đến hàng trăm người mỗi ngày, trong đó có cả tăng ni, Phật tử cùng tín đồ, chức sắc Cao Đài.

long dan 1.jpg

Hoạ sĩ Tam Bạch vẽ tranh chân dung Bác Hồ trong chiến khu.

Cha tôi kể: đầu năm 1970, ngay khi đảo chính quốc vương Norodom Sihanouk, chính quyền Lon Nol của Campuchia cử một đại đội lùng sục, tìm kiếm đền thờ Bác Hồ ở Tà Bôi. Một buổi sáng, phát hiện lính Lon Nol súng ống trang bị tận răng xông vào khu vực gần đền thờ, ông Tư Thế (phóng viên ảnh Báo Tây Ninh) báo động, lao ra, "trâm" tiếng Pháp đuổi chúng đi. Lúc này, cán bộ nhân viên Ban Tuyên huấn đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu như bọn Lon Nol tìm cách phá đền thờ. Lúc đó, ông Phan Văn, Trưởng Ban Tuyên huấn- người rất giỏi tiếng Pháp đã ra nói chuyện với chỉ huy đám lính này. Sau cuộc trò chuyện khá quyết liệt, cuối cùng tên chỉ huy cũng chấp nhận rút quân.

Theo lời kể của ông Bảy Hải: "Theo phát động của Tỉnh uỷ, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã lập bàn thờ Bác. Nhiều bàn thờ trong vùng tạm chiếm được dựng lên không có ảnh Bác, chỉ có độc nhất chiếc lư hương với tấm lòng vô vàn nhớ Bác". Khi hay tin Bác mất, không ít gia đình ở khu vực thị xã Tây Ninh lúc đó đặt bàn thờ trước sân, dâng hương hoa làm lễ tưởng niệm Bác, đặc biệt mỗi bình bông đều cắm hai màu đỏ và vàng. Bọn dân vệ và cán bộ nông thôn lân la dọ hỏi, bà con trả lời: ngày vía, cúng vái phật trời. Bọn chúng đành lặng thinh vì hết đường bắt bẻ.

Đúng hôm 5.9.1969, khi Trung ương Đảng và Chính phủ tổ chức trọng thể lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình, tại một ngôi chùa nhỏ ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cũng diễn ra lễ cầu siêu cho Người. Đó là chùa Phước Thạnh ở Bàu Lớn do thầy Thích Thông Nghiêm tục danh Phạm Văn Bình trụ trì. Buổi lễ được tổ chức hết sức tôn nghiêm và cảm động với hơn 40 phật tử và đồng bào trong vùng tham dự. Bàn thờ Bác được thiết lập tại tổ đường, gồm một bài vị bằng giấy hồng đơn, viết mấy chữ Hán đại tự: "HỒ CHÍ MINH, cung thỉnh toạ vị" và hai câu liễn đối bằng quốc ngữ.

Sau khi thỉnh ba hồi chuông trống bát nhã, tất cả những người có mặt đều cung kính thắp hương trên bàn thờ Bác. Sư Thích Thông Nghiêm trang trọng đọc điếu văn do chính ông soạn thảo: "Nghe tin Bác đã ra đi, tăng, tín đồ phật tử chúng con vô cùng thương tiếc. Như vậy là mong ước của chúng con, của miền Nam được Bác vô thăm khi nước nhà hoàn toàn độc lập đã không còn nữa… Hồ Chủ tịch, ôi đáng tiếc thay, Bác đã vượt qua bao gian lao cực khổ để đưa nước nhà đến độc lập. Bác đã lướt gió xông sương, băng nguồn vượt suối sương sa tuyết phủ, nắng táp mưa chan nhưng chẳng chút sờn lòng, quyết chí hy sinh đền ơn Tổ quốc".

Sáng hôm sau, lính đồn Lộc Trát xộc vào chùa tra vấn nhưng không có bằng cớ gì để gây sự vì hương đăng, trà quả tuy còn đó nhưng bài vị và văn bản kèm theo đã được nhà chùa cất giấu hết sức bí mật. Chúng hỏi: "Đêm qua nổi chuông trống để làm gì?". "Để cầu siêu cho một người đã khuất"- vị trụ trì trả lời hết sức bình thản. Sau đó, cảnh sát và lính địa phương có đến chùa lục soát hai lần nữa nhưng đều không có kết quả.

  Biến đau thương thành sức mạnh, tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Đảng bộ và đội du kích xã làm bản hạ quyết tâm trước Huyện uỷ, Huyện đội và đồng bào "Ra sức giữ vững và mở rộng địa bàn bám trụ. Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang chính trị, đẩy mạnh tiến công 3 mũi trên khắp các vùng nhằm tiêu hao diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa". Đồng bào Sở Cốt, Lợi Hoà Đông, Bàu Tràm, Bàu Mây… hứa trước Đảng bộ sẽ kiên quyết đấu tranh chống địch, một tấc không đi, một ly không rời, bám đất bám làng phục vụ kháng chiến, đưa con em vào đội du kích.

Một ý chí, một hành động, mở đầu là trận đánh ở Sở Cốt, tiêu diệt một trung đội biệt kích Mỹ. Sau đó là các trận chống càn ở Bàu Mây, Bàu Tràm, Tháp, An Phú, Cây Dầu; đánh thọc sâu vào ấp chiến lược Suối Sâu, An Bình. Đặc biệt trong tháng 12.1969, lực lượng vũ trang xã tổ chức đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ trên khắp địa bàn, diệt và làm bị thương 120 tên Mỹ nguỵ, trong đó có 8 cán bộ bình định ác ôn, bắn cháy 6 xe thiết giáp M.113.

Trong khi đó, ở chi bộ an ninh huyện Châu Thành, Bí thư Nguyễn Hoàng Sa (Tư Sa) có sáng kiến đọc trích đoạn di chúc của Bác trước mỗi kỳ họp. Nghi thức đó nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết, lúc nào mọi người cũng cảm thấy Bác luôn ở bên mình, luôn theo dõi công việc của từng người- những đứa con đang chiến đấu vì lý tưởng của Bác.

Xin mượn lời nói đầu của quyển "Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ" làm lời kết của bài viết: dù chưa lần nào vinh dự đón Bác về thăm nhưng lòng dân Tây Ninh luôn có người hiện diện, vì Bác là Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác là cách mạng. Nghe theo Bác, nhân dân Tây Ninh đã chiến đấu anh dũng, xứng đáng với danh hiệu "Tây Ninh trung dũng kiên cường".

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây