Mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2014

Thứ sáu - 17/01/2014 00:00 145 0
Ngày 16/01/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 174/QĐ-UBND đề ra các mục tiêu chủ yếu sau:

 

Theo nhận định của Trung ương tình hình kinh tế thế giới có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Trong nước, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế có nhiều chuyển biến đúng hướng; các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Chính phủ đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt kết quả cao nhất, Ngày 16/01/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 174/QĐ-UBND đề ra các mục tiêu chủ yếu sau:

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; cụ thể hóa thành những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực hiện của tỉnh.

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình đột phá và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính tham gia vào đầu tư phát triển trên địa bàn. Chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở một số Khu, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tích cực khai thác, nuôi dưỡng các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu chi trên địa bàn. Thu ngân sách phải gắn liền với quản lý, tiết kiệm chi, đảm bảo chi hiệu quả, đúng mục đích, góp phần ngăn ngừa lãng phí và tham nhũng. Quan tâm tiết kiệm trong chi thường xuyên, mua sắm tài sản và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Đẩy mạnh sản xuất ngành, lĩnh vực để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất và thị trường trong nước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm thủy sản; có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các nông sản chủ lực như mía, mì, cao su... Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh chương trình khuyến công, khuyến nông. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và thương mại biên giới. Phối hợp và phát huy lợi thế trong liên kết vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ. Quyết liệt thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xây dựng hệ thống hàng rào kĩ thuật. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng hóa các loại hình du lịch, kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm.

Nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hoá, thông tin. Vận động toàn xã hội xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tăng cường đầu tư xây dựng bảo vệ phát huy các công trình văn hóa. Tập trung công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành thuộc phạm vi quản lý. Kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và nhân dân đảm bảo đầy đủ theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP trên các trang thông tin, cổng thông tin điện tử thành phần tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trọng thu hút nhân lực y tế chất lượng cao và nâng cao y đức.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tổ chức đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, nhất là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân. Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tổ chức thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kì đầu (2011 - 2015). Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế và xử lý rác công nghiệp và sinh hoạt. Chủ động xây dựng các phương án phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đảm bảo quốc phòng - giữ vững an ninh. Tăng cường tiềm lực cần thiết cho quốc phòng an ninh. Tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Điều chỉnh dự án xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh; phê duyệt dự án xây dựng khu vực phòng thủ 08 huyện, thành phố còn lại. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tư pháp, thi hành án dân sự. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động về vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và những vụ việc mới phát sinh nhất là các điểm nóng phức tạp, vượt cấp, xử lý kịp thời số vụ khiếu nại đông người.

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành, cán bộ công chức trong việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4. Công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ. Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị; bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.

      K.Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây