Toàn cảnh lễ mít tinh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, trong đó có gần 6% là lao siêu kháng thuốc, số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2.
Tuy nhiên, chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý, 21% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây.
Việt Nam là nước có gánh nặng lao cao, đứng thứ 14/30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Nhưng hiện nay Việt Nam cũng là nưởc cố kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Việt Nam là một trong ba nước đi đầu trong chiến lược kết thúc bệnh lao trên toàn cầu (gồm có Việt Nam, Brazil và Nam Phi).
Báo cáo của Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, dịch tễ lao ở tỉnh Tây Ninh còn cao so với khu vực và cả nước. Do đó, để thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó đến năm 2020 giảm 30% số mắc và giảm 40% số người tử vong vì bệnh lao, đòi hỏi cần phải đổi mới và nâng cấp hệ thống mạng lưới chống lao và sự vào cuộc của cộng đồng xã hội; phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là nòng cốt, giữ vai trò tham mưu và thực hiện chiến lược.
Thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh.
Hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao năm nay, hãy cùng nhau nỗ lực “Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn” và “hãy chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức cho mọi người về bệnh lao, giảm mặc cảm và kỳ thị đối với bệnh nhân lao; giúp cho nhân dân và bệnh nhân được tiếp cận và sử dụng tốt nhất kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Theo Báo Tây Ninh Online