![]() |
Trúng đấu giá QSDĐ trồng cao su từ hai năm trước, đến nay bà Huỳnh Thị Kim Chi vẫn không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ. Ảnh minh hoạ |
Không biết giấy chứng nhận QSDĐ đã thế chấp (!?)
Ông Đoàn Văn Muôn, quyền Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Châu cho biết là trước đây, theo Bản án 378/2009/DS-PT ngày 15.12.2009 của TAND tỉnh Tây Ninh buộc bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Hoa có trách nhiệm trả cho ông Trần Minh Trọng số tiền là 3.521.760.000 đồng. Để thi hành bản án trên, Chi cục tiến hành kê biên tài sản là QSDĐ của bà Nguyễn Thị Kim Hoa và ông Tống Thanh Thu với diện tích là 59.706m2 (trên đất có trồng cao su 7 năm tuổi đang khai thác) và tiến hành bán đấu giá thi hành án. Ngày 23.9.2011, bà Chi là người trúng đấu giá phần tài sản trên và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được lập với bên uỷ quyền bán đấu giá tài sản là Chi cục THADS huyện Tân Châu và người mua là bà Huỳnh Thị Kim Chi. Ngày 27.10.2011, dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hội, Chi cục THADS huyện Tân Châu tiến hành bàn giao tài sản đấu giá thành là phần đất có diện tích 59.706m2 cho bà Chi.
Về phần bà Chi, sau khi nhận tài sản bàn giao, gia đình bà đầu tư công sức, tiền bạc vào để sản xuất, đinh ninh rằng Chi cục THADS huyện Tân Châu sẽ làm các thủ tục để bà được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo hợp đồng mua tài sản đấu giá. Thế nhưng, Chi cục lại không thể làm các thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Chi, lý do là có “sơ suất’ trong quá trình kê biên tài sản bà Hoa. Do không có giấy chứng nhận QSDĐ nên bà Chi không thể quan hệ vay vốn sản xuất, dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi không nhỏ. Do vậy, bà Chi có đơn gửi đến Chi cục THADS huyện Tân Châu khiếu nại việc Chi cục THADS “thất hứa” trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà.
Giải quyết khiếu nại của bà Chi, Chi cục THADS cho rằng trong quá trình tổ chức thi hành án, do bà Hoa không hợp tác nên Chi cục không biết bà Hoa đã thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ để vay vốn tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành. Sau khi bán đấu giá thành tài sản của bà Hoa, Chi cục THADS huyện yêu cầu bà Hoa giao giấy chứng nhận QSDĐ, lúc đó bà Hoa mới “nói thiệt” là đã thế chấp tại Ngân hàng để vay vốn.
Ông Muôn cho biết thêm, vào tháng 3.2013, bà Hoa có liên hệ với Chi cục THADS huyện Tân Châu để xin nhận số tiền dư sau khi bán tài sản thi hành án. Bà Hoa có cam kết là sẽ trả Ngân hàng lấy giấy chứng nhận QSDĐ 3 thửa đất bán đấu giá về giao cho Chi cục để làm thủ tục. Chi cục THADS đã liên hệ với Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành và thống nhất với Ngân hàng làm phụ lục hợp đồng, nhằm giải chấp cho bà Hoa giấy chứng nhận QSDĐ đối với 3 thửa đất đã bán đấu giá. Thế nhưng, khi bà Hoa nhận tiền đem đến Ngân hàng trả bớt để lấy giấy chứng nhận QSDĐ 3 thửa đất đã bán đấu giá thành thì lại phát sinh “sự cố” khác- Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Tân Châu không chấp nhận cho bà Hoa đăng ký bảo đảm tài sản thế chấp vay tài sản tại phụ lục hợp đồng, lý do là các thửa đất đã hết thời hạn sử dụng, đồng thời do có sự tăng giảm diện tích cần phải tiến hành điều chỉnh. Vì vậy, bà Hoa không thể lấy giấy chứng nhận QSDĐ từ Ngân hàng về nộp cho Chi cục THADS để làm giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Chi.
Cơ quan, tổ chức “bắt giò” nhau, chỉ bà Chi chịu thiệt!
Vì sao Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Tân Châu từ chối việc đăng ký giao dịch đảm bảo phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản giữa bà Hoa và Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành?
Ông Đỗ Thiết Lập - Giám đốc Văn phòng cho biết, khi Chi cục THADS huyện, Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành đến liên hệ Văn Phòng ĐKQSDĐ huyện Tân Châu tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản của bà Hoa, nhằm “rút” bớt tài sản mà bà Hoa đang thế chấp cho Ngân hàng với mục đích làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Chi, thì Văn phòng rất đồng tình. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản đã được UBND xã Tân Hội chứng thực, Văn phòng ĐKQSDĐ phát hiện trong phụ lục hợp đồng có một số thửa đất hết hạn sử dụng, giấy đất cấp đổi khi bà Hoa xin chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất thế chấp bị giảm diện tích… Do vậy, Văn phòng ĐKQSDĐ không thể tiến hành cho đăng ký giao dịch đảm bảo đối với phụ lục hợp đồng mà yêu cầu trong phụ lục hợp đồng Ngân hàng phải rút ra các thửa đất hết hạn sử dụng, giảm diện tích… hoặc là bà Hoa phải có nghĩa vụ đem các giấy chứng nhận QSDĐ có thửa đất tăng, giảm diện tích hết thời hạn sử dụng đến Văn phòng ĐKQSDĐ làm thủ tục gia hạn sử dụng, điều chỉnh lại đúng diện tích. Khi đó, Văn phòng ĐKQSDĐ sẽ cho đăng ký giao dịch đảm bảo phụ lục hợp đồng. Thế nhưng, Ngân hàng không đồng ý!
Cũng theo ông Lập, vào tháng 5.2009, bà Hoa và Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành có làm hợp đồng thế chấp QSDĐ, diện tích đất mà bà Hoa thế chấp là 211.914m2. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cơ quan TN&MT huyện uỷ quyền cho cán bộ địa chính xã đăng ký giao dịch đảm bảo. Do trình độ cán bộ địa chính xã còn hạn chế nên không phát hiện ra sai sót nêu trên khi tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo cho bà Hoa thế chấp tài sản. Ông Lập khẳng định, UBND xã Tân Hội có “sơ suất” trong việc tiến hành chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo hồ sơ xin vay vốn của bà Hoa vì trong tài sản của bà Hoa khi tiến hành thế chấp có những thửa đất về diện tích, mục đích sử dụng không đúng thực tế đang sử dụng, cần phải điều chỉnh, đồng thời thời hạn sử dụng đất của 1 vài thửa đất đã gần hết hạn. Theo ông Lập, việc Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Tân Châu không chấp nhận đăng ký giao dịch đảm bảo phụ lục hợp đồng của bà Hoa và Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành là đúng pháp luật.
Việc các cơ quan, tổ chức đổ trách nhiệm cho nhau, không tích cực tìm cách giải quyết dứt điểm vụ việc chỉ làm quyền lợi của bà Chi ngày càng bị thiệt hại. Thiết nghĩ, Chi cục THADS huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hội, cùng Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoà Thành và bà Hoa cần ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết dứt điểm vụ việc trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bà Chi.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc