Nữ công nhân viên chức lao động tỉnh Tây Ninh với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”

Thứ sáu - 25/11/2016 16:00 25 0
Tây Ninh là tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, những năm gần đây, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, Tây Ninh đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất. Đến nay, đã có 247 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 4 triệu USD đến đầu tư sản xuất tập trung tại 05 khu, cụm công nghiệp và 02 khu kinh tế tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động trong và ngoài tỉnh. Tổng số CNVCLĐ hiện nay là 215.988 người, trong đó có 129.952 nữ, chiếm tỷ lệ trên 60%; nữ CNVCLĐ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể chiếm tỷ lệ 51%, lực lượng lao động nữ ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ 69,9%. Số công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ tỉnh có 1.463 CĐCS, trong đó có 702 Ban Nữ công CĐCS và 761 cán bộ phụ trách công tác nữ công.

Với tỷ lệ chiếm trên 60%, lực lượng nữ trí thức, nữ lao động đã có những đóng góp rất lớn trong hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội tỉnh nhà. Bằng sự lao động sáng tạo, nữ CNVCLĐ không chỉ góp phần làm giàu cho xã hội, làm phong phú cuộc sống con người mà còn khẳng định vị trí quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, cụ thể nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 là 08/51 chị chiếm tỷ lệ 15,68%, nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 15/52 chiếm tỷ lệ 28,84%; nữ lãnh đạo diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 6/39 chiếm tỷ lệ 15,4% . Trong hệ thống công đoàn, nữ cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch của công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động huyện, Thành phố là: 11/29 chiếm tỷ lệ 37,93%. Về trình độ, trong toàn tỉnh, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học và tương đương là 57,4%, thạc sĩ và tiến sĩ là 44%.

Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, hưởng ứng và gắn kết phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", phong trào vừa thể hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ, vừa tôn vinh ý chí phấn đấu của người phụ nữ trong tình hình mới, giúp chị em vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Để phong trào thi đua thực hiện đạt hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp cùng chính quyền đưa nội dung "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" vào tiêu chuẩn xét thi đua trong nữ CNVCLĐ. Với tinh thần sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp công đoàn đã cụ thể hóa thành nhiều hoạt động phong phú như: tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến lao động, nhất là lao động nữ bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như: hái hoa dân chủ, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật lao động và công đoàn, giao lưu, tọa đàm, hái hoa dân chủ nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tháng hành động vì trẻ em, ngày Gia đình Việt Nam, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam,...

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh còn phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn nói chuyện chuyên đề "Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, công tác Dân số - kế hoạch hoá gia đình", các chế độ chính sách dành riêng cho lao động nữ tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh được 28 lớp với trên 2.800 CNVCLĐ dự. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn, 7 cuộc thi tìm hiểu Đề án "Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" (Tiểu Đề án 1 - Đề án 343) và Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" (Đề án 704) cho trên 2.500 nữ CNVCLĐ.

 Từ những kiến thức được trang bị, nữ CNVCLĐ chủ động hăng hái tham gia phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Qua thực hiện, đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt danh hiệu tập thể tiên tiến, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực như: trong lĩnh vực lao động sáng tạo, 5 năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh trao tặng 26 bằng khen tập thể và 47 bằng khen cá nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng 7 "Bằng khen lao động sáng tạo" cho nữ CNVCLĐ, đặc biệt trong đó có những chị như: Bác sĩ Huỳnh Ngọc Phượng - Trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh được khen thưởng 03 năm liên tục, Bác sĩ Lương Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung cấp y tế Tây Ninh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng giải thưởng tài năng sáng tạo nữ cấp Tổng Liên Đoàn, chị Lâm Thị Kim Chi - Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, chị Nguyễn Thị Anh Đào - Trưởng khoa giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm... là những tác giả, đồng tác giả đạt giải cao trong Hội thi.

Ngoài việc tích cực tham gia phong trào thi đua "Lao động Sáng tạo", nữ CNVCLĐ còn tích cực tham gia phong trào "Lao động giỏi" góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp sản suất kinh doanh đạt hiệu quả, điển hình như chị Nguyễn Thị Lá - công nhân công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty TNHH Dệt may Hoa Sen, chị Lê Mỹ Linh - CĐCS Công ty TNHH May mặc Lang Ham, chị Lê Thị Kim Trương - CĐCS Công ty TNHH POUHUNG Việt Nam là một trong số rất nhiều những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất...các chị đã có những cống hiến tích cực cho hoạt động của đơn vị và đạt danh hiệu thi đua lao động giỏi, nữ hai giỏi nhiều năm liền; nhiều chị là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã thể hiện bản lĩnh, năng lực, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao điển hình như: chị Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chị Phan Thị Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, chị Nguyễn Thị Xuân Hương - Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu, Nguyễn Thị Yến Mai - Bí thư Huyện ủy Châu Thành, chị Dương Thị Thu Hiền nguyên là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh..., các chị là những hạt nhân của phong trào thi đua thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Với đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", "Nhường cơm xẻ áo" - nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân ta, để hỗ trợ cho CNVCLĐ vượt qua khó khăn, các cấp công đoàn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn xét cho nữ CNVCLĐ vay vốn với số tiền trên 100 tỷ đồng, thành lập trên 410 tổ hùn vốn cho vay không lấy lãi, giúp cho trên 10.000 lượt nữ CNLĐ vay vốn với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, phát huy truyền thống "Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang" của người Phụ nữ Việt Nam, tùy theo điều kiện công tác, các chị đã sắp xếp công việc, thời gian hợp lý, làm kinh tế gia đình như: trồng trọt, may gia công, chăn nuôi, dịch vụ,... kết quả có nhiều hộ gia đình đã ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bên cạnh đó, phong trào ủng hộ xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cũng nhận được sự tham gia tích cực của cán bộ, đoàn viên công đoàn, các doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, các cấp công đoàn đã trao tặng 240 căn nhà "Mái ấm công đoàn" cho cán bộ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 129 nữ. Nhiều CĐCS đã thành lập Quỹ bảo trợ công nhân để thăm hỏi, trợ cấp động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Ngoài nhiệm vụ phát động các phong trào thi đua, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, một trong những nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng của tổ chức công đoàn đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, trong đó có lao động nữ. Nhằm tạo môi trường lao động thuận lợi cho lao động nữ phát huy tốt vai trò trong sản xuất, Liên đoàn Lao động tỉnh luôn quan tâm kiện toàn và củng cố các Ban Nữ công CĐCS, nhất là tại các CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi tập trung đông công nhân lao động nữ, kịp thời tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tại doanh nghiệp được quy định trong pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Ban nữ công CĐCS là nơi gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, gần gũi để chị em bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong công việc, gia đình. Ban nữ công CĐCS cũng tham gia trong việc đề ra các biện pháp giải quyết việc làm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao tay nghề, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc, đề xuất với Ban Chấp hành Công đoàn trong việc tổ chức cho chị em giao lưu, học tập, khám sức khỏe, khám phụ khoa ở các bệnh viện trong và ngoài tỉnh; chăm lo đời sống tinh thần, chú trọng đến lao động nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Qua 5 năm triển khai phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", nữ CNVCLĐ tỉnh Tây Ninh đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương của Đảng, Nhà nước, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 01 cờ, 13 bằng khen, Liên đoàn Lao động tỉnh trao 54 bằng khen cho các tập thể, cá nhân nữ CNVCLĐ đạt thành tích xuất sắc trong phong trào, có 128.153 lượt nữ CBCCVCLĐ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" cấp cơ sở. Đây là những thành tích rất đáng tự hào và trân trọng, khẳng định nữ CNVCLĐ đã đóng góp công sức rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh nhà.

Trong thời gian tới để hoạt động phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đạt hiệu quả cao ở các cấp công đoàn thì nội dung phong trào cần được đưa vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, chương trình công tác của chính quyền. Xác định cụ thể, rõ ràng các mục tiêu, tiêu chuẩn và nội dung của phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" làm căn cứ đánh giá sự phấn đấu của từng chị em trong phong trào sao cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đơn vị, ngành, địa phương có như thế phong trào mới thật sự lớn mạnh và vững chắc.

                                                                                                                  K.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây