Thu hoạch ớt ở Bến Cầu. (Ảnh minh họa)
UBND các huyện đang thẩm định các phương án hỗ trợ, giao UBND các xã làm chủ đầu tư phần hỗ trợ mua giống vật nuôi, vật tư sản xuất phù hợp với điều kiện từng nơi…
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 mà người nghèo ở các xã biên giới, xã khó khăn được tạo điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống.
Năm 2014, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 của Tây Ninh là hơn 26,5 tỷ đồng, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Tỉnh đã sử dụng nguồn vốn được phân bổ thực hiện dự án phát triển sản xuất (hơn 6,5 tỷ đồng) hỗ trợ về giống vật nuôi, vật tư cho 805 hộ nghèo và cận nghèo. Riêng dự án hỗ trợ xây dựng hạ tầng với nguồn kinh phí 20 tỷ đồng, được giao cho các xã làm chủ đầu tư xây dựng 39 công trình.
Theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 năm 2014 và 2015, Tây Ninh được ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho 20 xã thuộc 5 huyện biên giới (Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng), gồm 127 ấp, 42.889 hộ với 169.303 người dân được hưởng chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong năm 2015, việc đầu tư hạ tầng – nhất là đường giao thông còn nhiều hạn chế so với nhu cầu thực tế. Nhiều hạng mục đầu tư đòi hỏi thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản chặt chẽ trong khi năng lực quản lý của cán bộ xã còn hạn chế nên còn nhiều bất cập.
Đối với việc thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, mức hỗ trợ rất thấp so với giá cả thị trường thực tế, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, người nghèo khó có điều kiện và cơ hội thoát nghèo.
Theo BTNO