Toàn cảnh di tích căn cứ Đảng uỷ Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xếp hạng căn cứ Đảng uỷ Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Di tích lịch sử này có diện tích khoanh vùng bảo vệ 2.000m2, trong đó khu vực bảo vệ I trên 1.000m2, còn lại là khu vực bảo vệ II. Di tích nằm cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 55km, theo hướng đi huyện Tân Biên đến ngã ba cửa khẩu Xa Mát rẽ phải vào đường tỉnh lộ 792 khoảng 8km.
Khu di tích được bố trí và xây dựng phía bên trái tỉnh lộ với nhiều hạng mục cổng, tường rào, sân vườn hoa kiểng, nhà tưởng niệm và mảng phù điêu tái hiện, cách điệu những hoạt động tiêu biểu của cơ quan Đảng uỷ Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam thời bấy giờ.
Đảng uỷ Dân Chính Đảng là cơ quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giúp việc của Trung ương Cục bao gồm: Văn phòng Trung ương Cục, Ban Tổ chức, Ban Cơ yếu, Ban Quân sự Miền, Ban Kinh tài, Ban Giao bưu, Ban Binh vận, Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Thông tin, Ban Chính trị và Ban Tổ chức về công tác Đảng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, cơ quan Đảng uỷ Dân Chính Đảng cùng các cơ quan khác của Trung ương Cục được chuyển về thành phố Hồ Chí Minh hoạt động.
Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến được thành lập, là đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích “Địa điểm lưu niệm cơ quan Đảng uỷ Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam” từ ngày ấy đến nay.
Có thể nói, việc lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng cơ quan Đảng uỷ Dân Chính Đảng Trung ương Cục là di tích lịch sử cấp tỉnh sau 40 năm thống nhất đất nước là hơi chậm, so với thành tích và những chiến công xuất sắc do cơ quan này lập nên và lưu lại cho mai sau.
UBND huyện Tân Biên sẽ là cơ quan quản lý trực tiếp di tích. Để phát huy giá trị di tích và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Tân Biên - Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tôn tạo cho di tích ngày càng khang trang và tươi đẹp, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Ngoài căn cứ Đảng uỷ Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam, được biết trong năm 2015, UBND tỉnh Tây Ninh còn công nhận 2 di tích: đình Hoà Hội (huyện Châu Thành) và đình Đôn Thuận (xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 86 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh.
Theo BTNO