Đến tháng 11/2014, tỉnh Tây Ninh có khoảng 57.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 4,94% dân số tỉnh, trong đó có 13.002 người khuyết tật và người tâm thần thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và các chính sách, chế độ đối với người khuyết tật (xe lăn, xe lắc, phục hồi chức năng…), chiếm tỷ lệ 1,13% dân số của tỉnh.
Trong những năm qua, người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng và xã hội chăm sóc và giúp đỡ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật; các ngành, các cấp bằng nhiều biện pháp tích cực đã phát huy nhiều nguồn lực góp phần chăm lo, từng bước ổn định cuộc sống cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Công tác thực hiện chế độ chính sách đối với người khuyết tật theo quy định được các đối được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện; chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 8.560 người khuyết tật, kinh phí thực hiện là 31.728 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% người khuyết tật đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước, được thực hiện trợ cấp xã hội.
Công tác xã hội hóa về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật luôn được các cơ quan, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm ủng hộ. Thống kê từ năm 2011 đến tháng 12/2013, toàn tỉnh có trên 576 người khuyết tật vận động được cấp miễn phí chân tay giả, cấp xe lăn, xe lắc; cấp chân giả cho 73 người; tặng máy trợ thính 85 người; phẫu thuật mắt 534 người; phẫu thuật phục hồi chức năng cho người khuyết tật vận động 108 người; mổ tim 19 ca. Tổng kinh phí thực hiện trên 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 123 hộ gia đình người khiếm thị được tổ chức ADRA tại Việt Nam tài trợ nuôi 123 con bò sinh sản, trị giá: 1.230 triệu đồng; 15 cháu khiếm thị được các cơ quan chức năng hỗ trợ mở các cơ sở massage để tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ năm 2012 - 2014, chương trình hỗ trợ nuôi bò cho người khuyết tật do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thực hiện trao tặng 90 con bò với kinh phí thực hiện 1.800 triệu đồng, giải quyết cho 76 hộ mượn vốn không tính lãi (mỗi hộ 5 triệu đồng) với kinh phí 380 triệu đồng, bước đầu đã phát huy được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách đến sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tạo nên phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, giúp người khuyết tật có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình. Nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tại các địa phương; người khuyết tật được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc có thời hạn, tạo được việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống; Nhiều tấm gương người khuyết tật đã phấn đấu vượt lên số phận, tự lo cho bản thân, gia đình và còn giúp cho nhiều người còn khó khăn trong xã hội.
TK