Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội với công tác phối hợp, chăm lo cho người nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 23/06/2014 00:00 57 0
Chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội là một chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế quan trọng, đồng thời là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc.

 

 

 

Trong nhiều năm qua có thể nói Tây Ninh đã thực hiện có hiệu quả, góp phần to lớn vào việc giúp nhân dân thoát nghèo, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng, trong đó có vai trò quan trọng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 - 2015 với mục tiêu từng bước nâng cao điều kiện sống cho người nghèo; tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, trước hết tập trung hộ nghèo ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã khó khăn. Hộ nghèo và người nghèo tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo; Nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo nói riêng và người dân nói chung. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các xã khó khăn của tỉnh; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung 2%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn Trung ương còn dưới 2%. Từ đó, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một mặt tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, các chính sách, một mặt phối hợp với các ngành, các cấp, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong các mối quan hệ phối hợp đó thì việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Nhất là trong các lĩnh vực như: triển khai thực hiện các đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề cho người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, vận động các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, các mạnh thường quân làm công tác bảo trợ xã hội tạo thêm nguồn lực chăm sóc cho hộ nghèo, người nghèo, những mảnh đời yếu thế, khiếm khuyết trong cuộc sống về mặt thể chất để tạo cho họ có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống đủ sức vượt qua số phận không may mắn góp phần ổn định cuộc sống.

Cụ thể của công tác phối hợp đó là trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, khi nhà nước triển khai, Mặt trận thông qua hệ thống của mình và các tổ chức thành viên phát huy vai trò giám sát, để các chế độ, chính sách phải đến tận người dân một cách dân chủ, công bằng, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao; nhất là các chế độ chính sách liên quan đến người dân nghèo, như chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế, chính sách trợ cấp xã hội, chính sách dạy nghề... Giai đoạn 2010 - 2013, toàn tỉnh đã cấp 127.276 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo chuẩn trung ương, 81.943 thẻ cho người thuộc hộ cận nghèo chuẩn Trung ương, đạt tỷ lệ 100% đối tượng được cấp thẻ theo quy định; Về xây tặng nhà đại đoàn kết 2009 - 2013 đã xây tặng 6.494 căn nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí trên 154 tỉ đồng; Về hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện học tập, trong 2 năm học 2010-2011 và 2011-2012 ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 43.686 triệu đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% chuẩn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; trong đó năm học 2010-2011 là 16.941 triệu đồng, năm học 2011-2012 là 26.745 triệu đồng; Về trợ cấp xã hội, năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 20.311 đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp với kinh phí 55.032,1 triệu đồng, đến năm 2013 đã có 24.365 đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp xã hội với kinh phí 68.035,5 triệu đồng; Về dạy nghề cho người nghèo, trong 02 năm 2011 - 2012 đã mở 357 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 10.902 học viên tham gia, trong đó có 833 người nghèo, kinh phí thực hiện là 11.886.728 368 đồng; Giúp người nghèo sản xuất với việc đầu tư bò cái sinh sản cho 621 hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2009 - 2012 là: 2.019.332.500 đồng; Hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn thông qua việc đầu tư cho 1.125 hộ nghèo, kinh phí thực hiện giai đoạn 2009 - 2012 là 5.390.222.000 đồng; Bên cạnh đó hàng năm Ngành lao động vận động, thăm tặng quà cho trên 111.153 hộ nghèo trong tỉnh nhân các ngày lễ, Tết với hàng trăm ngàn phần quà trong 5 năm. Khám bệnh phát thuốc miễn phí cho trên 891.611 người, với kinh phí trên 30 tỉ đồng.

Với những nỗ lực nêu trên, t 23.549 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,84% so với tổng số hộ dân trong năm 2010; đến cuối năm 2013, toàn tỉnh chỉ còn 9.023 hộ nghèo, hộ cận nghèo Trung ương, chiếm tỷ lệ 3,17% so với tổng số hộ dân; đã giảm 14.526 hộ nghèo, tương đương giảm 5,67%, bình quân mỗi năm giảm 1,89%.

Trong những năm qua, đạt những kết quả như trên trước tiên là có sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tích cực tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp đặc biệt là Mặt trận tổ quốc các cấp bằng nhiều biện pháp đã phát huy nhiều nguồn lực góp phần hỗ trợ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Mức sống hộ nghèo, người nghèo ngày một nâng lên, người nghèo ngày càng tiếp cận được với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh được kéo giảm, đạt chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo hàng năm theo Nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh.

     Các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo, vừa ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo nhanh và bền vững đối với những địa bàn khó khăn đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn huy động từ cộng đồng, các nhà hảo tâm và từ sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của chính bản thân hộ nghèo đã cải thiện đáng kể cuộc sống của hộ nghèo, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo cơ bản, vươn lên khá giả và làm giàu chính đáng, đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong xã hội, tạo niềm tin đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.          

     Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chính sách, chế độ giảm nghèo phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và hộ nghèo, nhưng ngày càng có nhiều chế độ ưu đãi đối với hộ nghèo nên dễ tạo tiêu cực trong tổ chức thực hiện và dẫn đến một bộ phận người nghèo ỷ lại, không có ý chí vươn lên thoát nghèo; Chế độ, chính sách giảm nghèo đến với hộ nghèo, người nghèo còn dàn trải nên chưa tác động nhiều đến việc vươn lên thoát nghèo, từ đó hiệu quả đạt không cao, không nhiều; Công tác tổ chức thực hiện một số chính sách, chế độ cho hộ nghèo, người nghèo ở các cấp, các ngành, các địa phương đôi lúc chưa phối hợp đồng bộ; có nơi, có lúc chưa thực hiện kịp thời, chưa thành phong trào sâu rộng ở mọi nơi, mọi lúc; Thiếu dự báo, định hướng mô hình giảm nghèo, thoát nghèo cho hộ nghèo; Chưa có chính sách hỗ trợ đối với những hộ thoát nghèo để giúp họ có thêm điều kiện thuận lợi vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và các ngành liên quan tăng cường thực hiện các chính sách giảm nghèo nhằm hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn tỉnh như các chế độ, chinh sách về Bảo hiểm y tế, trợ cấp giáo dục và đào tạo, xây nhà đại đoàn kết, vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, dạy nghề, hướng nghiệp; Điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm, lập danh sách hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa.... Với việc xác định, công tác giảm nghèo nói chung là một nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, đòi hỏi không chỉ có chính sách đúng, có quyết tâm chỉ đạo, điều hành tốt mà kết quả thành công còn phụ thuộc vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo và năng lực thực hiện cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các ngành, các cấp liên quan. 

Nguyên Khôi ( MTTQ tỉnh)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây