Nghèo đa chiều – phương pháp tiếp cận mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Thứ ba - 25/07/2017 10:00 198 0
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2016 cả nước có: 1.986.697 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,23%; 1.306.928 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,41%.

​Riêng đối với tỉnh Tây Ninh có: 6.184 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,08%; 6.234 hộ cận nghèo; chiếm tỷ lệ 2,10%. Trong đó, số hộ nghèo thiếu hụt các chỉ số về: Tiếp cận dịch vụ y tế là: 1.611 hộ; Bảo hiểm y tế là: 2.896 hộ; Trình độ giáo dục người lớn: 2.025 hộ; Tình trạng đi học của trẻ em: 1.405 hộ; Chất lượng nhà ở: 1.947 hộ; diện tích nhà ở: 1.576 hộ; nguồn nước sinh hoạt: 1.300 hộ; hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh: 2.298 hộ; sử dụng dịch vụ viễn thông: 2.321 hộ; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin: 1.859 hộ.

ngheobenvung.jpg

Ảnh minh họa.

Đây là kết quả mới nhất được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố tại Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH ngày 22/6/2017 về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho các kế hoạch, dự án, Chương trình triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, cách tiếp cận tiêu chí nghèo đã có nhiều thay đổi từ nghèo đơn chiều sang đa chiều. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Về tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900 nghìn đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000  đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1 triệu 300 nghìn đồng/người/tháng, cao hơn mức quy định cũ. Ngoài tiêu chí về thu nhập, theo chuẩn nghèo mới còn có tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Với cách tiếp cận như trên, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả chính sách trên cần có một giải pháp mang tính đồng bộ, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức từ nghèo đơn chiều sang đa chiều của tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng  để thoát nghèo, vươn lên khá giả, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.    

Cần tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; Hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững, nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Lâm Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây