Trong giai đoạn 2001 đến 2008 đã đào tạo được 1.649 học viên là cán bộ công chức trong tỉnh, trong đó: 11 Cử nhân tin học; 20 chứng chỉ B; 725 chứng chỉ A; 01 quản trị mạng diện rộng; 30 lập trình và thiết kế Web; 60 quản trị mạng nội bộ; 802 học viên theo chương trình Đề án 112 của Chính phủ đào tạo tại tỉnh.
Trong năm 2009, đã tổ chức 02 lớp quản trị hệ thống mạng MCSA với 40 học viên và 01 lớp MCSE với số lượng là 22 học viên nhằm đào tạo nâng cao cho cán bộ chuyên trách về lĩnh vực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước; Tổ chức 3 lớp tin học căn bản với số lượng 52 học viên là cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện thị; Thực hiện Chỉ thị số 07/2009/CT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đào tạo 3 lớp Mã nguồn mở với số lượng 68 học viên là các chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh; tổ chức lớp tin học căn bản cho 26 học viên là cán bộ Hội phụ nữ cơ sở.
Trong năm 2010, đã tổ chức 05 lớp tin học văn phòng OpenOffice cho cán bộ, công chức trong tỉnh với số lượng là 111 học viên; 02 lớp tin học văn phòng Microsoft với số lượng là 46 học viên; 02 lớp Hệ điều hành mã nguồn mở Ubuntu với số lượng là 51 học viên; 01 lớp Tin học căn bản cho cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
Trong năm 2011, đã đào tạo và triển khai được 6 lớp gồm: Đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho CBCC: tổ chức 05 lớp với 121 học viên; Phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh mở lớp Đại học từ xa qua mạng ngành “Công nghệ thông tin” năm 2011 tại Tây Ninh.
Trong năm 2012, đã tổ chức 01 lớp đào tạo, ứng dụng mã nguồn mở cho cán bộ biên phòng và văn hóa thông tin xã cho 23 học viên; 04 Lớp tập huấn nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thanh tra kiểm tra các đại lý Internet và đại lý viễn thông cho 93 học viên; 01 lớp quản trị cổng thông tin điện tử cho 21 học viên và Quản trị cổng thông tin điện tử nâng cao cho 6 học viên; 01 lớp Thiết kế, triển khai và quản trị hệ thống mặng windows căn bản cho 23 học viên; 02 lớp an ninh mạng căn bản cho 47 học viên.
Trong năm 2013, đã đào tạo 2 lớp an ninh mạng cho 47 học viên; 01 lớp tập huấn phần mềm Hỏi đáp trực tuyến cho 36 học viên; 01 lớp kỹ năng quản trị cổng thông tin cho 36 học viên, 03 lớp kỹ năng sử dụng phần mềm văn phòng điện tử cho 62 học viên; 02 lớp kỹ năng ứng dụng các phần mềm cải cách hành chính cho 60 học viên.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không ngừng được đầu tư và phát triển. Hệ thống mạng cáp đồng, cáp quang dung lượng lớn, tốc độ cao đã phủ rộng khắp đến 9/9 huyện, thị xã và một số xã. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như Viễn thông Tây Ninh, Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, FPT Telecom có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ như mạng riêng ảo (VPN), dịch vụ 3G, cho thuê đường truyền, thuê kênh riêng phục vụ cho việc kết nối thông tin, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 90% cán bộ công chức cấp tỉnh, 49,55% cán bộ công chức cấp huyện, 13,69% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính. Đa số các cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên đã có mạng LAN và được kết nối Internet. Theo số liệu thống kê và thông tin khảo sát, tại hầu hết các cơ quan, 53-92% cán bộ công chức biết sử dụng máy tính để xử lý công tác chuyên môn, sử dụng mạng máy tính để truy cập Internet tìm kiếm thông tin, đọc tin tức.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư, trang bị hệ thống máy chủ, hệ thống mạng, hệ thống thiết bị kiểm soát an toàn, an ninh thông tin đáp ứng được yêu cầu triển khai tập trung, liên thông, tích hợp các hệ thống thông tin của toàn tỉnh.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã kiện toàn và thống nhất hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin thông tin tại địa bàn tình, tháng 01/2005 Sở Bưu chính – Viễn thông được thành lập, là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, nay là Sở Thông tin và Truyền thông (thành lập từ tháng 03/2008). Ở cấp huyện, thị xã, các phòng Văn hóa – Thông tin là cơ quan tham mưu cho UBND các huyện, thị xã về quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin ở địa bàn các huyện, thị xã.
Công tác kiện toàn nhân sự phần nào đáp ứng được yêu cầu của từng đơn vị. Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của tỉnh được thành lập từ năm 2001 nhằm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, 8/9 huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo. Hầu hết các cơ quan ban ngành đều đã hình thành bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin tại đơn vị.
Lê Toàn