Nhóm tự lực của các nạn nhân mua bán người: Vượt qua ám ảnh

Thứ ba - 19/04/2016 10:00 68 0
Mô hình nhóm tự lực hoạt động khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt, dễ dàng đồng cảm và hỗ trợ cho nhau về tâm lý, kiến thức và kỹ năng sống. Mỗi buổi sinh hoạt có một chuyên đề, với các nội dung thiết thực như: phổ biến kiến thức về y tế giúp phòng ngừa, điều trị một số căn bệnh thường gặp; bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, phương pháp nuôi dạy con cái vv…vv

 

 Các thành viên nhóm tự lực tham gia diễn kịch tại một buổi tuyên truyền.

Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, với tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt. Nhiều vụ có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đáng chú ý là đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư.

Từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 31 vụ, bắt 229 đối tượng, khởi tố hình sự 144 đối tượng. Các nạn nhân bị bán sang các nước như: Ả rập Xê út, Malaysia, Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức dụ dỗ, lừa gạt, bị bắt làm vợ bất hợp pháp, hoặc bị bán vào các tụ điểm mại dâm, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán nội tạng và bị bóc lột sức lao động… Trong năm 2015, có 14 nạn nhân quê quán Tây Ninh đã trở về sau khi bị cưỡng bức lao động tại nước ngoài, một số nạn nhân chấn thương nặng không còn khả năng lao động. Họ có điểm chung là hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tìm đến con đường lao động nước ngoài với hy vọng kiếm được cơ hội đổi đời, nhưng đổi đời chưa thấy đâu thì đã thấy mình trở thành nạn nhân của bọn mua bán người.

Những ký ức ám ảnh

Trở về từ sau “kiếp nạn” đã hơn 5 năm nay, thế nhưng khi được hỏi về câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, giọng chị V.L.P (sinh năm 1978, huyện Châu Thành) vẫn run lên bởi sự ám ảnh của một nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai.

Năm 2010, được một người bạn hàng buôn bán ngoài chợ giới thiệu, chị P gặp một người đàn bà tên Thuý và bị người này dụ dỗ qua Malaysia để lao động với lời hứa hẹn sẽ có thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Cuộc sống đang khó khăn, chị P nghĩ đây chính là cơ hội đổi đời cho mình. “Lúc đó chồng tôi ngăn, không cho đi nhưng tôi nghĩ đi chừng vài năm sẽ kiếm được một số vốn lo cho chồng con có cuộc sống tốt hơn nên đành đứt ruột để lại đứa con nhỏ cho ảnh chăm sóc, rồi lén ra đi, đâu có ngờ...”- chị P ngậm ngùi. Theo lời kể, khi sang Malaysia, chị P bị đưa vào “động” cùng với gần 30 cô gái Việt khác. Khi chị biết mình bị lừa thì đã quá muộn. Lúc ấy chị đành thoả thuận với bọn xấu cho gia đình chuộc về với số tiền 2.000 USD để không phải “tiếp khách”. Khoảng thời gian chờ người nhà gom góp cho đủ số tiền chuộc, chị P từng tìm cách bỏ trốn vài lần nhưng đều bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn. Mặc dù vậy chị vẫn không bỏ ý định trốn đi. Một lần canh lúc bọn bảo kê sơ hở, chị P trốn ra ngoài cầu cứu một người dân địa phương. Và người này đã gọi điện cho lực lượng công an sở tại đến giải cứu chị.

“Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi chuỗi ngày sống trong nơm nớp lo sợ. Đến khi lên được máy bay trở về nhà, tôi mới dám tin mình đã thoát khỏi chốn địa ngục ấy”- chị P nói.

Cùng chung cảnh ngộ bị lừa bán sang Malaysia, sau một thời gian dài trở về, tái hoà nhập với cộng đồng, L.P.M (sinh năm 1987, ngụ ở Châu Thành) đã dần lấy lại được sự tự tin. M bồi hồi nhớ lại: năm 18 tuổi cô bị một người đàn bà ở huyện Tân Biên dụ dỗ sang Malaysia. “Người này nói với em, cháu của bà ấy cũng đi lao động nước ngoài, bây giờ đã có cuộc sống sung túc, chăm lo cho gia đình đầy đủ. Lúc ấy, em nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được. Em muốn đi vì nhà em khó khăn lắm, ba mẹ em ly dị, bỏ lại ba chị em của em bơ vơ, phải sống chật vật, nương tựa lẫn nhau”. Sang đến Malaysia, thay vì đi bán quán ăn như được hứa hẹn, M bị nhốt lại và bắt tiếp khách ở một quán karaoke. M kiên quyết từ chối nên thường xuyên bị đánh đập và bỏ đói. Cô kể: “Bọn chúng bắt tụi em phải liên tục tiếp khách mỗi ngày, từ lúc khuya cho tới sáng. Em thà bị đánh, bị bỏ đói chứ không chấp nhận”. Sau gần một tháng bị hành hạ tàn nhẫn, M quyết định giả vờ thuận theo ý của bọn chủ chứa, đồng ý tiếp khách (nhưng không chịu bán dâm) để tìm cơ hội trốn thoát. Trong một lần di chuyển bằng đường hàng không để đổi địa điểm phục vụ, M đã bỏ trốn thành công và nhờ người dân địa phương đưa đến Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để được giúp đỡ trở về quê nhà.

 “Đối với em đó là những chuỗi ngày kinh hoàng với những ký ức ám ảnh mà chắc suốt đời này em cũng không thể nào quên được. Vì sự dại dột, cả tin mà em đã trở thành nạn nhân của bọn mua bán người vô lương tâm”- M chia sẻ.

Gian nan hoà nhập cộng đồng

Trở về lại quê nhà sau những biến cố, tưởng chừng cuộc sống rồi sẽ yên ổn nhưng đối với chị P, với cô M hay những chị em từng là nạn nhân của bọn mua bán người, việc hoà nhập với cộng đồng là điều không hề dễ dàng.

Đa số họ gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần khi trở về với cuộc sống nơi quê cũ: không có việc làm hoặc có nhưng thu nhập quá thấp, thiếu vốn sản xuất và thiếu kỹ năng sống… Đáng lo ngại hơn là sự kỳ thị của cộng đồng khiến các chị em trở nên tự ti mặc cảm, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Có người suốt một thời gian dài không dám bước chân ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với ai.

“Đi đâu cũng bị người ta dòm ngó, xì xào bàn tán. Họ nghĩ mình qua bên đó… làm gái không được nên mới trở về”- chị P chua xót nói. Cũng do không chịu được áp lực từ dư luận nên chị P phải bỏ công việc ở quê, sang tận Bình Dương để làm ăn, buôn bán.

Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, trong 76 nạn nhân bị mua bán trở về trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, có 33 người đã phải bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống. Chưa kể, nhiều người sau khi bị bán ra nước ngoài trở về sức khoẻ đã không còn nguyên vẹn do bị bạo hành trong một thời gian dài, do bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Cuộc sống của họ vì thế cũng lâm vào cảnh bế tắc.

Nỗ lực giúp nhau để vươn lên

Một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi có dịp tham gia vào buổi sinh hoạt của nhóm tự lực Ban Mai tại huyện Châu Thành. Đây là một trong 4 nhóm tự lực được thành lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc Dự án “Giảm tính dễ bị tổn thương của người di cư nhằm ngăn ngừa buôn bán người và bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, tại một số đặc khu kinh tế và hành lang kinh tế tại Campuchia, Lào và Việt Nam”. Dự án được ký kết thực hiện bởi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Qua đó, góp phần thay đổi hành vi về phòng chống buôn bán người và nâng cao năng lực, nhằm hỗ trợ các nạn nhân mua bán người tái hoà nhập với cộng đồng. Sau 2 năm triển khai và tổ chức thực hiện, nhóm tự lực đã phát huy được những hiệu quả thiết thực với số nạn nhân tự nguyện tham gia mô hình ngày càng đông, từ vài người ban đầu nay đã nâng lên gần 30 người. Những thành viên này được hỗ trợ đời sống tâm sinh lý cũng như đời sống kinh tế. Sự hỗ trợ cũng giúp cho gia đình họ nhận được sự cảm thông của cộng đồng- coi những phụ nữ trở về chỉ là nạn nhân và cần được hỗ trợ để giúp họ có thể vượt qua khó khăn trước mắt.

Tại ngôi nhà của chị trưởng nhóm tự lực Ban Mai, gần 20 chị em từng là nạn nhân bị mua bán tụ tập sinh hoạt theo định kỳ mỗi tháng một lần. Những tiếng cười nói, những câu chuyện rôm rả vang lên. Nghe qua rồi thật khó hình dung những người phụ nữ ấy từng trải qua bao đắng cay, nhục nhằn ở xứ người.

Mô hình nhóm tự lực hoạt động khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt, dễ dàng đồng cảm và hỗ trợ cho nhau về tâm lý, kiến thức và kỹ năng sống. Mỗi buổi sinh hoạt có một chuyên đề, với các nội dung thiết thực như: phổ biến kiến thức về y tế giúp phòng ngừa, điều trị một số căn bệnh thường gặp; bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, phương pháp nuôi dạy con cái vv…vv… Các chị cũng được tham gia những khoá tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế sản xuất, hầu cải thiện kinh tế gia đình. Với sự giúp đỡ của Tổ chức IOM, nhiều chị em đã được hỗ trợ vốn để kinh doanh, sản xuất, ổn định kinh tế. Hiện nay, hơn nửa số thành viên trong nhóm đã có công việc ổn định, số còn lại cũng kiếm được thu nhập từ việc chăn nuôi, buôn bán.

Chị C.P- một thành viên của nhóm tự lực Ban Mai cho biết, từ khi tham gia nhóm, chị đã được các chị em trong Hội Phụ nữ giới thiệu công việc làm với thu nhập ổn định. Song song đó, chị còn được hỗ trợ vốn từ dự án để nuôi bò sinh sản.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây