Nhìn lại 5 năm thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài

Thứ ba - 13/10/2015 17:00 33 0
Trong thời gian gần đây tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn biến phức tạp, đa dạng, tính chất quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng là lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp… bằng những lời đường mật, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán.

Từ ngày 01/01/2011 đến ngày 30/6/2015, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 31 vụ, bắt 229 đối tượng, khởi tố hình sự 144 đối tượng. Cụ thể năm 2011: 04 vụ, bắt 13 đối tượng, khởi tố hình sự 10 đối tượng; năm 2012: 11 vụ, bắt 94 đối tượng, khởi tố hình sự 60 đối tượng; năm 2013: 06 vụ, bắt 61 đối tượng, khởi tố hình sự 32 đối tượng; năm 2014: 08 vụ, bắt 51 đối tượng, khởi tố hình sự 33 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2015: 02 vụ, bắt 10 đối tượng, khởi tố hình sự 09 đối tượng. Các nạn nhân chủ yếu bị mua bán sang Trung Quốc, Malaysia bằng hình thức lấy chồng và lừa bán vào tụ điểm mại dâm.

Trong giai đoạn 2011- 2015, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống. Nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức về phòng, chống tội phạm mua bán người giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đối tượng mua bán người, trong quý II/2013, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người cho gần 500 người là cán bộ và dân của 02 huyện Gò Dầu và Châu Thành. Để hoạt động hỗ trợ nạn nhân một cách có hiệu, năm 2014, Chi cục đã tham mưu Sở xây dựng Kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực về công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với hơn 530 lượt đại biểu các ngành các cấp tham dự. Bên cạnh đó, tháng 4/2015, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng đã phối hợp Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức khóa "Tập huấn về kỹ năng sống và các dịch vụ sẵn có tại địa phương cho các nạn nhân bị mua bán trở về" cho 25 nạn nhân bị mua bán (nhóm tự lực).

Với mục tiêu nâng cao sức mạnh và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, từ ngày 01/01/2011 đến ngày 30/6/2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra về trật tự xã hội - Công an tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp nhận, tổ chức bàn giao cho các địa phương 261 nạn nhân. Cụ thể năm 2011: 43 nạn nhân, năm 2012: 100 nạn nhân, năm 2013: 42 nạn nhân, năm 2014: 54 nạn nhân, 6 tháng đầu năm 2015: 22 nạn nhân. Đồng thời, để giúp đỡ nạn nhân ổn định cuộc sống, ngành chức năng đã hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ tiền tàu xe và hỗ trợ học nghề cho 56 nạn nhân với tổng số tiền là 60.400.000 đồng. Trong đó hỗ trợ khó khăn ban đầu 1.000.000 đồng/người x 56 người, hỗ trợ học nghề 1.000.000 đồng/người x 03 người, tiền tàu xe đưa đón nạn nhân 1.400.000 đồng.

Thực hiện Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt nội dung văn kiện Dự án "Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực" (trong phòng, chống mua bán người) tại tỉnh Tây Ninh (gọi tắt: Dự án "Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực") từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2012, nhằm giúp đỡ cho những nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Ngân sách cho Dự án là: 682.668.000 đồng.  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Lễ khởi động, tổ chức tập huấn cho cán bộ, chính quyền, các cấp và thành viên nhóm tự lực, với hơn 140 lượt đại biểu tham dự. Sau 9 tháng thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức IOM tổ chức lễ tổng kết để đánh giá hiệu quả của Dự án trong giai đoạn đầu. Theo khuôn khổ Dự án, Chi cục đã thành lập 03 nhóm tự lực với số thành viên là 30 người tại 03 huyện. Dự án đã trao cho 30 thành viên (là các nạn nhân bị mua bán trở về) với số tiền hỗ trợ là 212.000.000 đồng.

Thực hiện dự án "Nâng cao năng lực tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực tại tỉnh Tây Ninh", năm 2013, theo thỏa thuận với tổ chức IOM, quý I+II/2013,  tổ chức cho vay vốn 24 nạn nhân nhóm tự lực để thúc đẩy tái hòa nhập bền vững và kết nối chặt chẽ giữa các thành viên nhóm tự lực, với tổng số tiền là 120.000.000 đồng (5.000.000 đồng/người). Ngoài ra, hàng tháng Chi cục phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ 03 huyện Tân Biên, Châu Thành và Gò Dầu giám sát các buổi sinh hoạt của 03 nhóm.

Đặc biệt, năm 2014, Chi cục tham mưu Sở trình UBND tỉnh về việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Câu Lạc Bộ Phu quân và Phu nhân (do Tổ chức IOM vận động) để hỗ trợ vốn sinh kế cho các nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh tổ chức giới thiệu phương thức tiết kiệm hàng tháng và tiến hành trao vốn hỗ trợ sinh kế cho 20 nạn nhân (3.000.000 đồng/người).

Với sự hỗ trợ của tổ chức Di cư Quốc tế IOM, Câu Lạc Bộ Phu quân và Phu nhân (do Tổ chức IOM vận động) đã giải quyết những khó khăn, tạo nguồn vốn, việc làm ổn định cho các nạn nhân. Từ đó góp phần chung vào hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

 

            MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây