Hiện nay, tiền lương phải đóng bảo
hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và được
hướng dẫn trong Nghị định 115 và Thông tư số 59 của Bộ Lao động Thương binh và
Xã Hội. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/1/2016 và hết năm 2017 được
đóng dựa trên mức lương và phụ cấp lương. Từ ngày 1/1/2018, bảo hiểm xã hội bắt
buộc đóng trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Các nội dung đóng BHXH đã được quy định
rõ tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,
chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên
và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả
làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH.
Theo đó, sẽ có 14 khoản thu nhập
không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018, bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều
103, Bộ luật lao động 2012; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Tiền hỗ trợ
xăng xe; Tiền hỗ trợ điện thoại; Tiền hỗ trợ đi lại; Tiền hỗ trợ nhà ở; Tiền hỗ
trợ giữ trẻ; Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân
nhân bị chết; Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân kết hôn; Tiền hỗ trợ
khi sinh nhật người lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn khi
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành
mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 điều 4 Nghị định 05/2015 NĐ-CP.
Theo BHXH Việt Nam, tiền lương tháng
đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần
mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Riêng với những đối tượng hưởng
lương do Nhà nước quy định, từ 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ,
phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề theo mức lương cơ sở quy định từng thời kỳ.
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với
người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình
thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh
đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy
nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc
chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít
nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức
danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Theo https://baohiemxahoi.tayninh.gov.vn