Nhiều người đồng tình với việc tăng mức phạt hành vi thả rông chó

Thứ tư - 20/09/2017 16:00 71 0
Ngày 15.9, Nghị định 90/2017/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực. Tại điểm b, khoản 2, Ðiều 7 Nghị định quy định hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử phạt hành chính từ 600 đến 800 ngàn đồng.

Nhiều người đồng tình với việc tăng mức phạt hành vi thả rông chó

Một chú chó thả rông và không được đeo rọ.

Trước đây, Nghị định 167/2013/NÐ-CP của Chính phủ có mức xử phạt chỉ từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng. Có lẽ do mức xử phạt theo nghị định này còn nhẹ nên nhiều người vẫn còn để chó chạy rông trên đường phố, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Lần này, Nghị định 90/2017/NÐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi thả rông chó nặng hơn. Thế nhưng, chế tài mạnh hơn liệu có hạn chế được tình trạng thả rông chó?

Một số người dân sống tại hẻm số 2, đường Ðiện Biên Phủ, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh cho biết, hiện nay, tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh, cư dân đô thị tăng theo, nên chó thả rông ra đường có nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, đồng thời có thể cắn người gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Mới đây, anh Nguyễn Minh Dương- ngụ tại xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành đang điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường thì bị một con chó chạy qua đường, tông vào xe khiến anh té ngã, bị thương.

Thế nhưng chẳng có người dân nào sống tại khu vực này thừa nhận là chủ chú chó vừa gây tai nạn, anh Dương phải tự bỏ tiền sửa xe và điều trị thương tích.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến tháng 8.2017, cả tỉnh có hơn 7,7 ngàn người bị chó cắn phải tiêm ngừa dại. Trong đó có người tiêm 3 mũi, cũng có người tiêm đến 5 mũi.

Mỗi mũi tiêm tốn hơn 200 ngàn đồng, nên người bị chó cắn phải tốn một khoảng tiền không nhỏ cho việc tiêm ngừa, nhưng họ không được chủ chó bồi thường, bởi chó chạy rông khó xác định được của ai.

Do đó, khi nghe Nhà nước quy định chó phải đeo rọ mõm khi ra đường, có người dắt... và tăng mức xử phạt, nhiều người đồng tình.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp xã, việc xử lý chó chạy rông trên đường, trong khu dân cư cũng như việc quản lý, yêu cầu người dân tiêm phòng cho chó không hề đơn giản, dù đã có quy định.

Nguyên nhân xã không có người để thực hiện nhiệm vụ này, trong khi cán bộ Thú y xã quá nhiều việc. Do vậy, địa phương chủ yếu tập trung vận động, tuyên truyền người dân có biện pháp quản lý chó nuôi, không để chó phóng uế nơi cộng cộng mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết, việc xử lý chó chạy rông đã được ngành Thú y tỉnh tiến hành trong những năm qua. Chi cục có đội bắt chó thường xuyên đi tuần tra bắt chó chạy rông trên các tuyến đường ở các huyện, thành phố. 

Theo ông Mấy, vấn đề chính vẫn là ý thức của người nuôi chó trong việc quản lý vật nuôi của mình, việc bắt chó thả rông không phải là giải pháp căn cơ xử lý chó thả rông.

Hiện nay, Nghị định 90/2017/NÐ-CP đã có hiệu lực pháp luật, ngoài việc bắt chó thả rông, Chi cục sẽ xử lý hành vi không rọ mõm chó, trước tiên tại các khu vực đô thị.

Chó thả rông sau khi bị bắt, sẽ đưa về tạm giữ tại Chi cục hoặc các trạm Chăn nuôi Thú y các huyện. Người nuôi chó đến nhận quyết định xử phạt hành chính và đi đóng tiền phạt xong sẽ được nhận lại chó. Còn đối với chó không có người đến nhận, quá thời hạn quy định sẽ được thanh lý.
Theo Báo Tây Ninh Online
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây