Phấn đấu đến cuối năm 2020, Tây Ninh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách của tỉnh hàng năm thấp hơn so với các tỉnh khác trong khu vực Đông Nam Bộ, nguồn lực huy động trong nhân dân còn khó khăn, hạn chế nên sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu Chương trình đến năm 2020 có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ tiêu vùng Đông Nam Bộ.
Vì vậy, có 2 phương án được đưa ra. Phương án một là phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, luỹ kế toàn tỉnh có 50/80 xã, đạt tỷ lệ 62,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã biên giới). 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 01 đơn vị thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Ưu điểm của phương án này là thực hiện đảm bảo chủ trương, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X là 12,5%. Đặc biệt là phù hợp khả năng đáp ứng vốn ngân sách nhà nước, tình hình thực tế của tỉnh (mỗi năm đầu tư từ 5 - 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Như vậy, đến năm 2020 có 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 20 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; 01 đơn vị thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; đảm bảo các huyện, thành phố đều có xã định hướng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn.
Hạn chế của phương án này là không đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 1600; một số xã có tiêu chí ước thực hiện đến cuối năm 2016 cao, nhu cầu nguồn lực thấp hơn so với các xã biên giới nhưng không được chọn; số lượng xã định hướng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới chưa đồng đều giữa các huyện, thành phố (do tập trung ở các huyện có xã biên giới).
Phương án hai, phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, luỹ kế toản tỉnh có 64/80 xã (trong đó có 20 xã biên giới), đạt tỷ lệ 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ tiêu quy định vùng Đông Nam Bộ trong Quyết định 1600 của Thủ tướng Chính phủ. Có 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 đơn vị thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh 30%; đảm bảo mục tiêu Quyết định 1600. Đồng thời có 02 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 01 đơn vị thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 20 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, với mức đầu tư như trên, mục tiêu có thêm 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020) là rất khó khả thi để thực hiện trong tình hình nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp còn khó khăn, công tác vận động nguồn lực còn hạn chế; vốn ngân sách phải bố trí ưu tiên cho các xã biên giới (theo Nghị quyết số 100 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020) nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí nhưng kết quả thực hiện tiêu chí của các xã biên giới còn thấp và nhu cầu nguồn lực cao.
Tại hội nghị thông qua kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2017 và giai đoạn 2016-2020. Nhiều ý kiến đã được đưa ra. Trong đó, có một số thành viên Ban chỉ đạo XDNTM đã đồng thuận theo quan điểm đến năm 2020 phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Trần Văn To – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết: Chúng ta nên thực hiện theo đúng Quyết định 1600 của Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020. Do năm 2017, các địa phương đã chuẩn bị phương án đầu tư cho các xã điểm nên cần tăng tốc bắt đầu từ năm 2018 trở đi.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng nhấn mạnh "Cần tập trung tinh thần, quyết tâm chính trị, cố gắng, phấn đấu hết sức mình để có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Nếu đến năm 2020 dù không đạt 80% thì cũng đạt 70% hoặc 60% số xã, như vậy cũng giống như phương án một được đưa ra.
Tuy nhiên, đa số các ý kiến lại băn khoăn về nguồn vốn đầu tư và nếu cứ đặt ra chỉ tiêu cao như vậy dễ xảy ra tình trạng làm ẩu, chạy theo thành tích. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh) đề xuất chọn phương án một là phấn đấu giai đoạn 2016-2020 có thêm 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng: Mục tiêu của Quốc hội là nên đầu tư cho xã nghèo, xã biên giới (theo tinh thần Nghị quyết số 100 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020) nhưng những xã này để đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới cần nguồn vốn quá lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu vùng Đông Nam Bộ phấn đấu đạt 80% số xã vào cuối năm 2020. Trong khi đó, nguồn lực của chúng ta lại có hạn. Vì vậy, cần cân đối lại khả năng của mình, không thể chạy theo chỉ tiêu mà làm quá sức. XDNTM cần đi sâu vào nâng cao thu nhập cho người dân và công tác an sinh xã hội. Cần có sự chuẩn bị đầu tư về mặt kỹ thuật theo Quyết định 1600 (tức chuẩn bị đầu tư thiết kế kỹ thuật cho 48 xã giai đoạn 2016-2020) nhưng khi thực hiện nên theo Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ sẽ vừa sức hơn.
Ông Chiến cũng cho rằng: Tuy nguồn vốn có hạn nhưng không phải thực hiện tiêu chí nông thôn mới nào cũng cần vốn nên XDNTM không chỉ thực hiện ở những xã điểm mà phải thực hiện đồng loạt ở các xã khác. BCĐ XDNTM cấp huyện cần tích cực triển khai để các địa phương thực hiện những tiêu chí không cần vốn trước, chứ không nên chờ đợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cũng cho rằng: XDNTM cần đi vào thực chất, không nên chạy theo hình thức "trách việc có tiếng mà không có miếng". Bên cạnh đó, cần khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015. Quan điểm mục tiêu lớn nhất của XDNTM là phải nâng cao thu nhập, cải thiện được đời sống cho nhân dân, hình thành được chuẩn mực sống văn minh hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hoá, ổn định an ninh chính trị; gìn giữ môi trường sống với những hành động nhỏ như không xả rác, thu gom chai lọ, phát quang bụi rậm...
"Điều quan trọng là phải phù hợp với khả năng, ngân sách của địa phương và yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện phương án 1 thì cần khoảng hơn 5.200 tỷ đồng nhưng với phương án 2 cần đến 7.300 tỷ đồng, thêm hơn khoảng 2.100 tỷ đồng, số tiền này làm được rất nhiều việc khác" Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phân tích. Do vậy, ông Thắng cũng đồng nhất chọn phương án một, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xây dựng thêm 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Trong đó, có Thành phố Tây Ninh 2 xã để đạt chuẩn 100% xã nông thôn mới trên địa bàn; mỗi huyện cần thêm 4 xã (do huyện lựa chọn nhưng trên cơ sở ưu tiên cho xã biên giới). Riêng năm 2017, cần chọn 7-8 xã. Tuy nhiên, cũng cần xây dựng danh mục 64 xã nhưng khi thực hiện tập trung đầu tư cho 34 xã, 14 xã còn lại vẫn xây dựng đề án và đầu tư thực hiện nếu có điều kiện. Đây sẽ là những xã "cận nông thôn mới".
Theo ông Thắng: Cần kiện toàn, củng cố lại Ban chỉ đạo XDNTM các cấp; khởi động, "hâm nóng" lại chương trình XDNTM trên các lĩnh vực, trong đó có tuyên truyền, vận động...đa dạng hoá các nguồn lực từ dân, doanh nghiệp, tín dụng, nhà nước...
Qua các ý kiến của đa số các thành viên BCĐ XDNTM và nguồn lực thực tế của địa phương cũng như dựa trên những hướng dẫn của Trung ương, ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM đã kết luận "Mục tiêu đến cuối năm 2020, Tây Ninh có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới và khuyến khích có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND tỉnh mục tiêu này không hề mâu thuẫn với mục tiêu của Quyết định 1600 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Bởi vì, Chính phủ quy định đến năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 50%, trong đó vùng Đông Nam Bộ phấn đấu đạt 80% số xã. Do nguồn lực có hạn nên làm như hướng dẫn là 50% số xã, đó cũng là Nghị quyết tỉnh Đảng bộ tỉnh, mà nó đi vào thực chất của vấn đề, còn nếu hơn 50% số xã càng tốt. Hướng dẫn cũng nêu rõ khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới thì Tây Ninh cũng đặt ra mục tiêu như vậy. Cơ sở pháp lý và thực tiễn là hoàn toàn chính xác". Chủ tich Phạm Văn Tân lý giải.
Trong năm 2017, đối với 22 xã đã đạt chuẩn (16 xã giai đoạn 2011-2015 và 6 xã năm 2016) phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giữ vững các tiêu chí đó. Đồng thời, sẽ chọn và đầu tư cho 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Luỹ kế đến cuối năm 2017, có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 35% số xã.
Trưởng BCĐ XDNTM tỉnh nhấn mạnh "Cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Cấp uỷ, Chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong XDNTM. Xác định XDNTM là làm cho nông thôn ngày càng giàu có, thu hút nhiều nguồn lực để phát triển và cần một sự phát triển bền vững; xây dựng một thế hệ nông dân "trí thức", cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; người dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin thị trường, các Hiệp định thương mại tự do, mọi người biết sử dụng internet...tạo nên những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo...XDNTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, có kết cấu hạ tầng phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chế biến và tiêu thụ".
Huy Liệu