“Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” là bốn phẩm chất đạo truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất đạo đức ấy được bổ sung những nội dung mới với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Những biểu hiện cụ thể của bốn phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”
Đầu tiên là phẩm chất tự tin. Tự tin là tin vào bản thân mình. Biểu hiện của người tự tin là biết tự đánh giá ưu, nhược điểm của bản thân; sẵn sàng nhận nhiệm vụ và nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán; chủ động, bình tĩnh xử lý công việc trong mọi tình huống.
Phẩm chất tự tin còn được biểu hiện là khả năng tự lực, tự chủ; thận trọng, hợp tác, khiêm tốn, tạo cơ hội cho người khác thể hiện sự tự tin; thể hiện quan điểm, chính kiến; mạnh dạn trong giao tiếp.
Tiếp theo là phẩm chất tự trọng. Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Biểu hiện của người có lòng tự trọng: Đầu tiên là đối với đất nước – phải yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, không làm ảnh hưởng xấu đến đất nước; tôn trọng, tự giác chấp hành luật pháp, chính sách, những quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; đấu tranh chống các hành vi sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Đối với đất nước, người có lòng tự trọng biểu hiện sự đoàn kết, tương trợ; tôn trọng, không xúc phạm người khác; không lợi dụng ép buộc lôi kéo, kích động người khác. Đối với gia đình biểu hiện sự tôn trọng và thực hiện tốt quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; các thành viên trong gia đình thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng, gắn bó với nhau; con cháu hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.
Với bản thân, biết tự giác thực hiện các nghĩa vụ của bản thân; không làm những việc không nên, không được làm, kể cả khi không ai biết. Biết xấu hổ, nhận khuyết điểm khi làm việc sai trái; nói đi đôi với làm, không phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm; tự chủ, tự lực, tự giác cao, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên.
Phẩm chất “trung hậu” của người phụ nữ cũng được đề cập đến. Trung hậu là trung thực, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của người trung hậu là trung thành, thủy chung. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ (tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp), không vì bất cứ lý do gì mà thay lòng đổi dạ.
Người trung hậu có lòng nhân ái, sống có nghĩa, có tình. Thực hiện được việc “uống nước nhớ nguồn”, sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm; không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác. Người trung hậu còn biểu hiện tính trung thực, thẳng thắn: Đó là công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người; không tham lam, vụ lợi.
Và một phẩm chất đạo đức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là đảm đang. Đảm đang là chỉ những người biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội.
Biểu hiện của người đảm đang là biết quán xuyến công việc gia đình: Chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên; tham gia lao động để góp phần tạo thu nhập ổn định; cùng người chồng nuôi dạy con trưởng thành; chủ động tạo dựng mối quan hệ yêu thương, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình; chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm.
Người phụ nữ Việt Nam hiện nay cần biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội. Điều này biểu hiện sự cần cù, sáng tạo trong lao động, công tác; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Hơn nữa, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Tóm lại, bốn phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” đều là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chúng luôn có mối quan hệ hữu cơ, phẩm chất này là tiền đề, điều kiện, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại.
Ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện bốn phẩm chất đạo đức “Tự tin –
Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” đối với người phụ nữ
Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đối với bản thân người phụ nữ, bốn phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vượt qua mọi thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là điều kiện đem lại giá trị đích thực cho người phụ nữ, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Đối với mỗi gia đình, bốn phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” còn giúp người phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền; từ đó tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; tạo cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Đối với cộng đồng, bốn phẩm chất trên giúp người phụ nữ có thể thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Phụ nữ cần làm gì để có bốn phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng –
Trung hậu - Đảm đang”
Phụ nữ cần nhận thức được sự cần thiết phải rèn luyện bốn phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi phụ nữ xác định được điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân, những khó khăn trong quá trình phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Điều quan trọng là, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, học tập nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Tất cả cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
“Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai”
Trích Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12 tháng 7 năm 1993 về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới
“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
Hồ Chí Minh
Hoàng Mai
(Theo tài liệu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Liên đoàn Lao động tỉnh)