Qua phân tích, thấy rằng nhiễm HIV ở độ tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 69%, kế đến là nhóm 15- 24 tuổi chiếm 20,67%, tỷ lệ ở nhóm tuổi dưới 15 có chiều hướng tăng nhẹ từ năm 2014-2017, ở nam giới dao động từ 55-60% qua các năm. Lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất 79,6% và có xu hướng tăng từ 1-2% qua các năm 2015-2017, lây truyền qua đường máu chiếm 9,3% và lây truyền qua đường từ mẹ sang con 6,46% có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2016-2017. Các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở hầu hết mọi đối tượng, trong đó, đáng chú ý đối tượng đồng giới nam phát hiện tăng 46 trường hợp. Đây là nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao vì bạn tình là người nhiễm HIV, bạn tình tiêm chích ma túy… Nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm tuổi trẻ được cảnh báo sẽ chiếm tỷ trọng chính trong tương lai. Tình hình dịch HIV/AIDS ở Tây Ninh đang ở mức cao, chưa khống chế được. Hiện nay, vẫn còn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả.
Trước tình hình đó, tỉnh chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống, từng bước kiềm chế sự lây nhiễm HIV. Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được triển khai trong toàn tỉnh dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung. Mặc dù trong 3 năm trở lại đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm kinh phí Dự án truyền thông, nhưng tỉnh cũng đã triển khai lồng ghép và phối hợp với một số ban, ngành, đoàn thể để triển khai tốt các hoạt động truyền thông. Can thiệp giảm tác hại được thực hiện tại 9/9 huyện, thành phố với sự tham gia của các cộng tác viên, đồng đẳng viên phát miễn phí 83.653 bao cao su, 123.319 bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm đồng giới nam.
Điều trị ARV được triển khai 5 điểm trên toàn tỉnh với 5 phòng khám điều trị ngoại trú ARV. Tính đến 31/8/2018, đã điều trị cho 1.915 ca, độ bao phủ 78,90% (1.915/2.427 ca quản lý); Đã thực hiện kiện toàn tất cả các cơ sở điều trị ARV trên toàn tỉnh, tiến tới kê đơn điều trị ARV bằng thuốc bảo hiểm y tế. Cho đến nay, đã có 05/05 phòng khám ngoại trú đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, trong đó 4 phòng khám tại Trung tâm Y tế huyện và 1 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên 9/9 huyện, thành phố, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh và các phòng khám ngoại trú.
Thực hiện Quyết định số 2761/QĐ-UBND ngày 03/12/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2015. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai 2 cơ sở điều trị Methadone tại Thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu. Tổng số bệnh nhân đang tham gia điều trị là 355 người.
Còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV trên địa bàn, trong đó, đáng chú ý là lực lượng phụ trách công tác HIV/AIDS còn mỏng, đa số là kiêm nhiệm, một số nơi thường xuyên thay đổi cán bộ; Độ bao phủ phòng, chống HIV còn hạn chế vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số; việc tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS với điều trị ARV còn hạn chế, đặc biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp; Nguy cơ nhiễm HIV cao trong quần thể dân Việt kiều trở về từ Campuchia. Sự kỳ thị từng lúc, từng nơi vẫn còn, là rào cản trong việc bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế. Sự kỳ thị cũng là nguyên nhân làm cho việc người bệnh giải quyết việc làm, làm lại cuộc đời còn nhiều khó khăn…
Với thực trạng trên, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, tỉnh đề ra các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới: ngành y tế phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục kiểm tra đôn đốc và động viên các đơn vị làm tốt công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi cho nhóm nguy cơ cao, chú trọng các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử; Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, như phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao; Tư vấn xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nhiễm mới, tiếp tục triển khai thí điểm mô hình tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao; Tăng cường hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, chú trọng nâng cao chất lượng số liệu giám sát dịch HIV/AIDS, kết nối hệ thống giám sát dịch, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị đảm bảo quản lý và theo dõi danh sách người nhiễm theo địa bàn. Tăng cường nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú để có biện pháp khắc phục kịp thời, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân; Vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế để được chăm sóc và điều trị bằng thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế, khi các dự án cắt giảm và không còn hỗ trợ nữa. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp tốt với SHIFT 360 thực hiện mục tiêu 90-90-95 vào năm 2020. Giám sát tình trạng nhiễm HIV trong nhóm người di cư từ Campuchia về; Tăng cường triển khai phòng, chống HIV trong quần thể người dân tộc thiểu số. Triển khai các điểm cấp thuốc Methadone, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện uống thuốc Methadone góp phần giảm số bệnh nhân bỏ trị vì khoảng cách đi uống thuốc quá xa.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 9 vừa qua về công tác phòng chống HIV/AIDS, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Tây Ninh triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV trong thời gian tới. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đến tính cấp bách và cần thiết của công tác xét nghiệm nhiễm HIV ở đối tượng có nguy cơ cao để phát hiện, điều trị dự phòng sớm và triệt để. Hiện nay, công tác xét nghiệm được đặt lên hàng đầu trong các biện pháp can thiệt giảm tác hại của HIV. Do đó, làm tốt công tác xét nghiệm sẽ góp phần đáng kể phòng chống HIV/AIDS.
XV