Tại đầu cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang và các thành viên Ban chỉ đạo PCLB&TKCN tỉnh.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Tây Ninh |
Theo BCĐ Phòng chống Lụt bão Trung ương, năm 2012 vừa qua, thiên tai đã làm 258 người chết và mất tích, 408 người bị thương; 6.292 nhà bị đổ, sập, trôi; 101.756 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 408.383 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; trên 3,2 triệu m3 đất, đá sạt lở… Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng.
5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên đến năm 2020 mang lại hiệu quả thiết thực, từ bị động đối phó chuyển sang chủ động, lấy phòng ngừa là chính, thiệt hại giảm đáng kể so với 5 năm trước. Từ năm 2008 – 2012, số người chết và mất tích do thiên tai là 1.868 người - giảm 162 người so với cùng kỳ 5 năm trước, tỷ lệ giảm là 7,9%. Số người bị thương là 2.972 người - giảm 607 người so với cùng kỳ 5 năm trước, tỷ lệ giảm là 16,9%. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản thời kỳ 2008-2012 ước tính khoảng 73.996 tỷ đồng. Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ 2008-2012 là 1,48% GDP/năm, tăng 1,08% GDP so với giai đoạn 2003-2007.
Tại Tây Ninh, năm 2012, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm thiệt hại 362ha diện tích nuôi trồng hàng năm, trong đó 205ha mất trắng; 9,61ha cao su bị ngã đổ và 2,3ha diện tích nuôi cá bị ngập tràn bờ; 8 căn nhà bị sập, 64 căn nhà tốc mái. Gió lốc cũng đã làm chết 01 người. Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2012 khoảng 11,9 tỷ đồng. Chỉ trong quý I/2013, mưa trái mùa tại huyện Trảng Bàng gây một số thiệt hại về vật chất và sản xuất (ngập 01 căn nhà, 255 ha bắp). Ước giá trị thiệt hại 5,4 tỷ đồng.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Năm 2013, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy trong công tác PCLB cần thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Trong đó nhấn mạnh đến việc rà soát và triển khai chi tiết phương châm “4 tại chỗ” của các cấp, các ngành, địa phương phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao, hay xảy ra thiên tai, bão lũ; rà soát đánh giá chất lượng quản lý chặt chẽ đê điều, hồ đập và các công trình thuỷ lợi; triển khai phương án bảo vệ các công trình trọng điểm trước lũ, kịp thời xử lý các sự cố gây mất an toàn công trình; tăng cường quản lý tàu thuyền, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão, thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra…
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc