Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam và số người mang loại ký sinh trùng cũng tương đối nhiều. Riêng ở trẻ nhỏ hầu hết đều có giun. Nguyên nhân là do trẻ ở bẩn, không được chăm sóc chu đáo; do trẻ ham chơi tay không sạch mút vào miệng, ngậm đồ chơi bám bụi bẩn, tay bẩn cầm bánh kẹo, ăn thức ăn không được nấu chín.
Giáo viên Trường Tiểu học Bến Rộng (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) hướng dẫn các bước rửa tay cho các em học sinh
Mặt khác, do ruồi nhặng bám vào chỗ bẩn, phân rác, rồi lại bám vào thức ăn mang theo trứng giun, từ đó trứng giun sẽ dễ dàng chui vào ruột trẻ và sinh sản rất nhanh.
Nhiễm giun truyền qua đất thường tác động một cách âm ỉ kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tình trạng dinh dưỡng, làm giảm sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người bệnh. Khi bị nhiễm giun mà không được tẩy giun, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm phát triển. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng tới thời kỳ mang thai, gây thiếu máu, đẻ non, trẻ thiếu cân, thậm chí có thể làm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh…
Để đề phòng bệnh giun sán, điều quan trọng là phải tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ăn uống. Thức ăn cho trẻ phải luôn nấu chín; nước uống phải được đun sôi để nguội, không được uống nước lã; không để trẻ lê la dưới đất, nhất là không cho trẻ mặc quần thủng đáy; vệ sinh tay chân trẻ luôn sạch, cắt móng tay, không để trẻ đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ chân của trẻ để vào máu, vào phổi, vào ruột và sinh sống tại đó gây tác hại cho trẻ.
Cần thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng cho cả trẻ em và người lớn.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc