Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Thứ hai - 23/11/2015 16:00 212 0
Với chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong 2 năm (2014,2015), ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã chú trọng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Qua 02 năm tái cơ cấu, chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 ước thực hiện 3.232 tỷ đồng, tăng 26,6% so với năm 2013. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 12,76%. Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng, thị trường.

Tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được tập trung vào 4 vấn đề chính là tái cơ cấu đàn vật nuôi; Tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, đổi mới hệ thống giết mổ; Ứng dụng tiến bộ giống khoa học kỹ thuật (KHKT); Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc tái cơ cấu theo đàn vật nuôi được xác định ưu tiên ở các loại sản phẩm chính như: Chăn nuôi heo, gà, bò thịt, bò sữa. Trong 02 năm, tăng tỷ trọng thịt gia cầm từ 23,3% tăng lên 33,1%; sữa tươi từ 8.883 tấn tăng lên 14.443 tấn, trứng gia cầm từ 207 triệu quả tăng lên 258 triệu quả.

Cùng với đó, chăn nuôi định hướng chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ sang phát triển trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung với các vật nuôi chủ lực như: Bò sữa tăng 66,6% (từ 2.664 con lên 4.439 con), heo thịt tăng 7,1% (từ 168.014 con lên 180.000 con), gia cầm tăng 18,4% (từ 4,9 triệu con lên 5,8 triệu con) so với năm 2013. Sản phẩm chăn nuôi phát triển theo hướng tăng nhanh gia súc, gia cầm.

Số trang trại heo trên địa bàn tỉnh hiện có 78 trang trại, tăng 2,6%, số heo nuôi trang trại 89.146 con, tăng 7%; trang trại gà công nghiệp 51 trang trại, tăng 27,5%, gà công nghiệp nuôi trang trại 2.377.199 con, tăng 28,7% so với năm 2013.

Đối với hệ thống giết mổ, các cơ sở giết mổ đã được UBND các huyện, thành phố quy hoạch cụ thể và từng bước di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường; các điểm mổ nhỏ lẻ giảm dần từ 75 điểm (năm 2013) xuống còn 58 điểm (năm 2015); một số cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại, quy mô lớn đang được triển khai thực hiện tại một số huyện, thành phố trong tỉnh.

Đặc biệt, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã góp phần cải thiện di truyền, nâng cao chất lượng, tạo những điển hình về năng suất, hiệu quả, an toàn sinh học, làm chuyển biến thói quen, tập quán người chăn nuôi, góp phần khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, trên đàn bò được thực hiện theo hướng cải tạo đàn bò hướng Zêbu, phát triển bò sữa tại các vùng có điều kiện thuận lợi; trên đàn heo công tác chuyển giao được thực hiện toàn diện từ khâu giống (đã chuyển giao hiệu quả các giống Yorkshire, Landrat, Duroc, Pietrain, Heo lai 2 máu, 3 máu), kỹ thuật, vật tư, thiết bị, quy trình nuôi theo hướng GAP áp dụng lịch tiêm phòng, bảo vệ môi trường, phòng tránh dịch bệnh,…nhiều tiến bộ kỹ thuật mới khác đã được chuyển giao như: Gieo tinh nhân tạo, sử dụng nái lai 02 máu, heo thịt 03 máu năng suất cao, áp dụng chương trình khí sinh học biogas để xử lý chất thải.

Vùng an toàn dịch bệnh được tập trung triển khai; môi trường chăn nuôi được quan tâm xử lý, thường xuyên giám sát, quản lý dư lượng các chất độc hại trong chăn nuôi, khuyến cáo không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng theo quy định. Đến nay đã phát hiện, xử lý nghiêm 06 vụ bơm nước vào gia súc, 08 cơ sở sử dụng chất cấm.

Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai mạnh các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao (nhất là trong chăn nuôi bò sữa, heo, gia cầm), xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả, giá trị gia tăng. Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn heo (trọng tâm là heo thịt), gia cầm (gà, trứng, gà lông màu…), tiếp tục phát triển chăn nuôi bò (nhất là bò hướng thịt, phát triển vững chắc bò hướng sữa), đảm bảo môi trường chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống; chấn chỉnh công tác quản lý giống (trước hết đối với con đực giống, nguồn tinh, giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ), chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi chiếm 20% trong GTSX nông nghiệp. Cụ thể, về cơ cấu vật nuôi, tập trung tăng trưởng đàn bò thịt (tăng số lượng, trọng lượng/con, tỷ lệ thịt xẻ); tăng số lượng heo, tăng trọng lượng trên con heo xuất chuồng; tăng lượng trứng gia cầm. Về phương thức nuôi, tăng đàn bò thịt chủ yếu tập trung nhập nội bò thịt nuôi vỗ béo, lai tạo chuyển bò Sind phát triển theo hướng thịt; đối với đàn heo, phát triển heo thịt theo hướng nuôi công nghiệp qui mô lớn; trang trại gia cầm lấy trứng; chuyển hướng chăn nuôi hộ sang phát triển theo hình thức các trang trại. Về chính sách, thực hiện thu hút các dự án đầu tư bằng chính sách đặc thù ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời ưu đãi về đất đai trên cơ sở rà soát lại quỹ đất công, đất nông nghiệp giao về địa phương (đất công ty mía đường) sau khi cân đối đảm bảo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sẽ dành quỹ đất phù hợp để kêu gọi ưu đãi đầu tư cho các dự án nông nghiệp.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gà (dự án liên vùng theo chủ trương thống nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT); Lai tạo nâng cao chất lượng bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020; Phát triển và nâng cao hiệu quả chăn nuôi heo theo hướng trang trại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Kêu gọi khuyến khích các dự án đầu tư chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm.

Minh Đài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây