Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ hai - 30/09/2013 00:00 107 0
Xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch và theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển toàn diện, có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

 

Xây dựng nông thôn mới nhằm đạt mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao vị thế của người nông dân và nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh là khâu then chốt; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản.

Đó là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay. Trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các chương trình mục tiêu và nguồn vốn huy động được, ưu tiên trước hết đầu tư cho giao thông nông thôn, hệ thống giao thông - thuỷ lợi nội đồng để thâm canh tăng vụ phát triển sản xuất, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại ở nông thôn phù hợp với lợi thế của từng vùng và nhu cầu của thị trường nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu nhắm đến của xã nông thôn mới.   

Qua hơn hai năm 2011-2012, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Cụ thể toàn tỉnh triển khai thực hiện tổng cộng 30 mô hình, dự án trình diễn như: mô hình nhân giống lúa chất lượng cao, sản xuất dưa leo an toàn, rau an toàn, chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, nuôi thâm canh cá rô đồng… Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn tổ chức 54 lớp đào tạo, tập huấn cho 1.457 học viên với kinh phí 1.072 triệu đồng, trong đó nhiều mô hình, dự án đã được triển khai ở các xã điểm như: Ninh Thạnh (Thị xã Tây Ninh), Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) Thanh Điền (huyện Châu Thành), Long Khánh, Tiên Thuận (huyện Bến Cầu); Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hỗ trợ tại xã bến Củi (huyện Dương Minh Châu) mô hình nuôi dong đất 400 triệu đồng; xây dựng điểm mô hình sản xuất rau an toàn tại các xã: Long Khánh, Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), Chà Là (huyện Dương Minh Châu), và Ninh Thạnh (Thị xã) theo quy hoạch sản xuất phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Hiện nay mô hình liên kết 4 nhà (“Nhà quản lý”, “nhà khoa học”, “nhà doanh nghiệp”, “nhà nông”) thâm canh theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội với sự tham gia của doanh nghiệp (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền). Thực hiện từ năm 2011- 2013 trên địa bàn 14 xã (trong đó có 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới) thuộc 6 huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh với diện tích của mô hình là 7.846 ha với 5.232 hộ dân (trong đó có 2.234 ha và 1.702 hộ dân thuộc 6 xã điểm) và 6 doanh nghiệp tham gia. Mô hình đã giúp cho nông dân có kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận so với canh tác ngoài mô hình. Hiệu quả đạt được của mô hình có sức lan toả rộng khắp, đây là tiền đề để xây dựng vùng lúa chất lượng cao của tỉnh, sản xuất theo hướng VietGap với diện tích lớn.

Song song với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, chương trình còn quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trong hai năm 2011- 2012 đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn đượcc 357 lớp, 10.902 học viên, 24 nghề (nông nghiệp: 15, phi nông nghiệp: 9), số lao động nông thôn được học nghề là 10.902 người, số đã học xong là 10.818 người và số người có việc làm là 8.107 người (tại 17 xã điểm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức được 24 lớp, 1.051 học viên được cấp giấy chứng nhận học 8 nghề: cạo mủ cao su, nuôi cá lồng bè, trồng rau nhút, trồng rau mầm, trồng gừng, trồng ớt…). Tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm đạt 74,94%, trong đó các nghề dễ tìm việc làm sau khi học là: Kỹ thuật trồng lúa đạt 96,42%, nghề đan lát ở huyện Trảng Bàng đạt 90%, nghề se nhang ở huyện Dương Minh Châu đạt 100%. Công tác đào tạo nghề góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề của tỉnh đến năm 2012 đạt 51%, trong đó lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 39,17% (so với lực lượng lao động hoạt động trên lĩnh vực kinh tế thường xuyên và so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí này đã đạt và vượt). Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tổ chức 65 lớp đào tạo 11 nghề cho 2.110 người (đạt 41,1% số lớp, 40,8% số học viên và 52,3% số nghề so với kế hoạch năm 2013).

Các hình thức sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Hiện có 52 hợp tác xã, 1.334 tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 6 tháng đầu năm vận động thành lập mới 01 hợp tác xã và 02 tổ hợp tác nông nghiệp, 10/17 xã điểm có tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp (đạt 59%) và có 29 hợp tác xã nông nghiệp (chưa tính hợp tác xã thuỷ lợi) đang củng cố và nâng chất một số mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tân Châu), Hợp tác xã nông nghiệp Hoà Bình (huyện Trảng Bàng), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Long và Hợp tác xã nuôi rắn (huyện Dương Minh Châu), Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Rỗng Tượng (huyện Gò Dầu). Tai các xã điểm đã thành lập các tổ hợp tác se nhang xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản xã Phước Ninh, Tổ hợp tác trồng hành lá xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), Hợp tác xã cao su tiểu điền xã Trường Hoà (huyện Hoà Thành), Hợp tác xã dịch vụ giống cây trồng xã Bàu Đồn (huyện Gó Dầu). Chương trình sản xuất rau an toàn đến nay đã xây dựng được 11 mô hình với tổng diện tích 43,03 ha, có 209 hộ dân tham gia, trong đó có 5 hợp tác xã và 7 tổ liên kết sản xuất rau an toàn.

Công tác phát triển sản xuất trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, các mô hình được hỗ trợ có trọng điểm phù hợp với nhu cầu của nhân dân và tình hình thực tế của từng địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo (chuẩn Trung ương) từ 7,4% xuống còn 4,89% và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên việc phát triển sản xuất ở các xã còn mang tính tự phát, thiếu tính kết nối với quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất; mối liên kết giữa nông nghiệp với nông dân chậm phát triển; ngành nghề nông thôn ít được quan tâm đầu tư để phá triển theo quy hoạch, công tác triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau hai năm thực hiện đạt hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, trong gia đoạn tới cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh thực hiện các chương trình giống vật nuôi, cây trồng, khuyến nông kết hợp với triển khai nhanh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp.

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây