Phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người

Thứ tư - 24/09/2014 00:00 39 0
Một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống mua bán người là mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người phải được ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác.

 

 

Để đảm bảo nguyên tắc này, Luật đã dành một chương riêng để quy định về việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với nội dung chủ yếu tập trung vào 03 vấn đề: Nghĩa vụ của cá nhân tố giác, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; những nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tố giác, báo tin về hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người

Điều 19 của Luật quy định, cá nhân có nghĩa vụ tố giác, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với cơ quan có thẩm quyền và để tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Điều 19 cũng quy định cá nhân có thể tố giác, báo tin về vi phạm với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện.

Luật không có quy định khống chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, điều đó có nghĩa là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức nào mà họ thấy thuận tiện như: Trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản.

Đối với cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tin báo tố giác, báo tin, tố cáo của người dân về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền

Phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra

Trong thực tế, nhiều trường hợp bọn tội phạm lợi dụng hoạt động của  các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thực hiện hành vi mua bán người, đặc biệt là các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch, v.v....

Do vậy, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sớm việc lợi dụng này, cũng như tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống mua bán người, Luật Phòng, chống mua bán người nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm

Điều 21 của Luật nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển). Đây là những lực lượng trực tiếp đấu tranh ngăn chặn mua bán người, do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống mua bán người trao cho lực lượng này những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt.

Luật Phòng, chống mua bán người giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ phòng, chống mua bán người chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi mua bán người và các hành vi liên quan tại các địa bàn được phân công phụ trách.

Thực tiễn cho thấy, các hành vi mua bán người cũng như các hành vi khác liên quan đến mua bán người được thực hiện một cách rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn khác nhau, gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn chặn. Do vậy, Luật Phòng, chống mua bán người cho phép lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán người và các hành vi khác có liên quan theo quy định của Luật.

Lực lượng này cũng được quyền yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ cho việc điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán người và các hành vi khác liên quan.

Trong thực tiễn nhiều trường hợp nạn nhân của các vụ án mua bán người, người tố giác, người làm chứng cũng như người thân thích của họ bị bọn mua bán người xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm cũng như tài sản.

Do vậy, để bảo đảm an toàn cho những người này, Luật Phòng, chống mua bán người giao cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ khi họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

Giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý vi phạm

Việc giải quyết tin báo, tố giác, tố cáo về hành vi mua bán người và các hành vi phạm pháp luật phòng chống mua bán người không có gì khác biệt so với việc giải quyết tin báo, tố giác, tố cáo về các vi phạm khác. Do vậy, Điều 22 của Luật Phòng, chống mua bán người nêu quy định mang tính viện dẫn sang các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 3 của Luật quy định 12 nhóm hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người. Đây là những hành vi vi phạm đa dạng về tính chất và thể loại. Do vậy, hình thức xử lý cũng đa dạng, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011. Và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.     

H.M

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây