Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ sáu - 13/07/2018 08:00 64 0

Trong thời gian qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là khi Luật KH&CN năm 2013 được ban hành, UBND tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện cùng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp về vai trò của KH&CN.

Công tác quản lý hoạt động khoa học được cải tiến theo hướng nâng cao trách nhiệm và quyền chủ động trong đề xuất, thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án KH&CN; nâng cao hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Việc ban hành chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN tại địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, tính khả thi ngày càng cao, cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động và đã có tác động tích cực trong phát triển KH&CN của tỉnh nhà.

Hoạt động nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã dần đi vào chiều sâu, kết quả nghiên cứu được ứng dụng ngày càng rõ nét vào thực tiễn đời sống, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh hàng nông sản của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo thêm ngành nghề mới, việc làm mới ở nông thôn, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Từng bước đổi mới phương thức xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ; từ khâu đề xuất, lựa chọn và xác định bảo đảm được tính khả thi, tính thực tiễn, tính hiệu quả ứng dụng trong sản xuất và đời sống gắn với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương chính sách, pháp luật về KH&CN; Nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN cơ bản đảm bảo cho công tác nghiên cứu ứng dụng; phối hợp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của các sở, ban, ngành, viện, trường, trung tâm và các đơn vị KH&CN,...đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể:

trong rau sach.JPG

Phát triển nhà lưới trồng rau sạch

Về nghiên cứu ứng dụng, mục tiêu, nội dung nghiên cứu của các đề tài, dự án đều bám sát thực tiễn, yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, kết quả nghiên cứu được các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan triển khai ứng dụng trong công tác quản lý của ngành, trong thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần tích cực trong phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, các kết quả nghiên cứu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã phục vụ xây dựng luận cứ khoa học cho các phương án phát triển KT-XH và kêu gọi đầu tư của tỉnh. Hoạt động quản lý, nghiên cứu, ứng dụng triển khai KH&CN đã chú trọng áp dụng những thành tựu KH&CN vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất trên các lĩnh vực, trong đó đã tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông sản của địa phương. Hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở nhất là ở cấp huyện được quan tâm, đẩy mạnh hơn qua việc thường xuyên củng cố, duy trì và nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn hoạt động của các Hội đồng KH&CN cơ sở nhằm giúp UBND huyện, các ngành có các cơ sở, định hướng khoa học về phát triển KH&CN trên địa bàn gắn với nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương, của ngành. Từng bước hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ở cơ sở triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về KH&CN.

Về Thông tin KH&CN được đẩy mạnh thông qua báo đài, thông tin KH&CN của sở, bản tin chọn lọc hàng tháng những văn bản chỉ đạo, quy định về KH&CN của  cấp có thẩm quyền, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án, những ứng dụng tiến bộ KH&CN được tuyên truyền, phổ biến. Về công tác sở hữu trí tuệ, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh, đã thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mãng cầu Bà Đen, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và Muối ớt Tây Ninh.

Về quản lý chuyên ngành, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hàng hóa lưu thông được tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, đồng thời giúp các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các phương tiện đo và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu Chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đã góp phần thực hiện cải cách hành chính, đạt hiệu quả cao trong công tác, giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật và thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng bước đầu tạo được sự chuyển biến trong các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Mộng Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây