Quy định về hoạt động sáng kiến tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 18/01/2016 15:00 119 0
Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND quy định về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh và các biện pháp quản lý, hỗ trợ hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

​Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được tạo ra và áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Theo đó, sáng kiến được phân 02 loại là sáng kiến cấp cơ sở và sáng kiến cấp tỉnh. Trong đó, sáng kiến cấp cơ sở là các sáng kiến đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm tính mới được áp dụng trong phạm vi cơ quan, đơn vị hoặc trong một lĩnh vực công tác được giao, được Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở công nhận; Sáng kiến cấp tỉnh là các sáng kiến mang lại hiệu quả, có tác động, ảnh hưởng tích cực trong phạm vi toàn ngành, toàn tỉnh được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận. Sáng kiến được công nhận phải đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:

Thứ nhất là có tính mới trong phạm vi địa bàn quản lý; Sáng kiến được coi là mới nếu trong phạm vi địa bàn quản lý tính đến trước ngày nộp đơn đăng ký công nhận, sáng kiến đó chưa được công nhận dưới bất cứ hình thức nào; Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện; Không trùng với nội dung của sáng kiến đã được công nhận trước đó hoặc đã có người nộp đơn đề nghị công nhận cho Hội đồng sáng kiến.

Thứ hai là được áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Tính hiệu quả được thể hiện ở một trong các tiêu chí về nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu phục vụ; Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất đem lại hiệu quả kinh doanh cao; Cải thiện điều kiện làm việc; tăng hiệu suất công tác; tăng hiệu suất sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị công tác; Cải cách hành chính (lề lối làm việc, thể chế hoạt động, giảm thiểu thủ tục hành chính); Tiết kiệm (thời gian, kinh phí, công sức lao động); Nâng cao hiệu quả bảo vệ an toàn cơ quan, tài liệu, tài sản; Góp phần tích cực làm giảm thiểu tệ nạn xã hội; Xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh. Thời gian áp dụng là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Trường hợp được đặc cách công nhận sáng kiến cấp tỉnh không phải thông qua họp Hội đồng sáng kiến tỉnh, các đề tài/giải pháp phải đạt một trong các tiêu chuẩn là các đề tài cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở (đề tài cấp sở ngành, huyện, thành phố) được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại "Đạt" và đang được ứng dụng triển khai mang lại hiệu quả; Giải Nhất, Nhì, Ba trong các Hội thi sáng tạo Khoa học và kỹ thuật ở cấp tỉnh, toàn quốc do các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức; Bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động cấp.

Việc đánh giá sáng kiến được thành viên của Hội đồng sáng kiến xem xét từng hồ sơ yêu cầu công nhận sáng kiến và có ý kiến nhận xét, đánh giá vào Phiếu nhận xét, đánh giá độc lập bằng phiếu kín và thang điểm tối đa là 100 cho 03 tiêu chí quy định bao gồm tính mới, khả năng áp dụng, khả năng mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, sáng kiến được xếp loại A (Xuất sắc) khi có số tổng điểm đạt từ 85 trở lên; Sáng kiến được xếp loại B (Khá) khi có tổng số điểm đạt từ 65 đến dưới 85; Sáng kiến được xếp loại C (Trung bình) khi có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 65. Sáng kiến được đánh giá không đạt yêu cầu khi có tổng số điểm của 03 tiêu chí đạt dưới 50 điểm; hoặc sáng kiến có tính mới đạt tổng số điểm dưới 25 điểm; hoặc sáng kiến có khả năng mang lại hiệu quả thiết thực đạt tổng số điểm dưới 20 điểm.

Thành Đặng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây