Sư đoàn 5 - dấu ấn nửa thế kỷ

Thứ tư - 25/11/2015 11:00 254 0
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh QK7, sự nuôi dưỡng thương yêu đùm bọc của nhân dân, cùng với tinh thần cách mạng của Nam bộ thành đồng Tổ quốc, truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng, bao thế hệ người lính Sư đoàn đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

​Ngày 23.11.1965, tại vùng núi Mây Tàu thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, Sư đoàn 5 - Quân khu 7 được thành lập, đến nay, tròn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Máu, mồ hôi, dấu chân lớp lớp cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn đã in đậm trên khắp các chiến trường cực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, biên giới Tây Nam và vùng Đông Bắc, Tây Bắc Campuchia.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh QK7, sự nuôi dưỡng thương yêu đùm bọc của nhân dân, cùng với tinh thần cách mạng của Nam bộ thành đồng Tổ quốc, truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng, bao thế hệ người lính Sư đoàn đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

 Chiến sĩ Sư đoàn 5 hôm nay.

Trong hai năm đầu thành lập (1965 - 1967), tác chiến chủ yếu trên địa bàn huyện Đất Đỏ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Long Khánh, cán bộ, chiến sĩ đã viết lên trang sử đầu tiên đầy vinh quang, hào hùng, đặt nền móng vững chắc để xây nên truyền thống “Đoàn kết, trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù” của Sư đoàn.

Mỗi trang sử giai đoạn này tràn đầy tinh thần yêu nước, lòng kiên trung với Đảng, ý chí, khát khao độc lập, thống nhất Tổ quốc, tình đoàn kết quân dân, thấm đẫm bao công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và máu của hàng ngàn thương binh và gần 3.300 liệt sĩ của Sư đoàn cùng biết bao đồng bào đã anh dũng hy sinh tại Bà Rịa- Long Khánh.

Phát huy thắng lợi, Sư đoàn tiếp tục khẳng định sức mạnh chủ động tiến công trong mọi tình huống, mọi điều kiện chiến trường và mọi đối tượng tác chiến trong tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Kết thúc đợt 3 tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sư đoàn vinh dự được Bộ Tư lệnh Miền tặng cờ luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” và Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì.

Các đơn vị Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 88, Trung đoàn 33, Tiểu đoàn 22ĐKZ, Tiểu đoàn 31QY được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Bước sang giai đoạn 1969 - 1972 chiến đấu trên địa bàn Long Khánh, Bình Phước và dọc tuyến biên giới giáp 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 lại đánh dấu một mốc son về sự trưởng thành nhanh chóng, vượt bậc với khả năng tác chiến tập trung cấp trung đoàn, sư đoàn, đánh tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn và chiến đoàn địch.

Đặc biệt là chiến công tiêu diệt chi khu Lộc Ninh trong chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4.1972. Tổng kết chiến dịch, Sư đoàn 5 vinh dự được nhận cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” của Quân uỷ, Bộ Chỉ huy Miền và Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì, có 4 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Quân giải phóng miền Nam.

Từ giữa năm 1972 đến giữa năm 1973, Sư đoàn 5 rời chiến trường miền Đông, cơ động về tác chiến trên chiến trường Tây Nam bộ. Mặc dù chưa quen tác chiến ở địa bàn sông nước, song bằng ý chí quyết tâm cao độ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã tổ chức hành quân với khí thế sôi nổi, thi đua lập công đầu xuất sắc.

Chiến đấu ở địa hình mới, Sư đoàn 5 đã dựa chắc vào Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tạo thế trận hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và LLVT địa phương; chủ động nghiên cứu, thay đổi cách đánh phù hợp theo phương châm “tinh gọn” về lực lượng, “cơ động linh hoạt, đánh chắc thắng”.

Kết quả một năm chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ, Sư đoàn 5 đã tiêu diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn địch, 16 đại đội nguỵ quân Sài Gòn, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 6 xe thiết giáp và giải phóng 6.000 dân.

Những thành tích của Sư đoàn giai đoạn 1969 - 1973 không những tiếp tục khẳng định sự trưởng thành, ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần dũng cảm, yêu nước, lòng trung thành với Đảng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn mà còn có ý nghĩa góp phần cùng toàn quân và toàn dân ta thực hiện sách lược “vừa đánh vừa đàm”, giành thắng lợi quyết định trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris của Đảng, Nhà nước ta.

Từ giữa năm 1973 đến tháng 2 năm 1975, Sư đoàn được lệnh cơ động từ đồng bằng khu 8 về chiến đấu tại Tân Biên, Tây Ninh, rồi lại trở lại lần lượt chiến đấu trên địa bàn Châu Thành, Tây Ninh, Mộc Hoá, Kiến Tường làm nhiệm vụ mở rộng hành lang Vàm Cỏ Tây, sẵn sàng cắt lộ 4 khi có thời cơ.

Trong giai đoạn này, mặc dù liên tục cơ động trên địa bàn rộng, song Sư đoàn đã phối hợp LLVT địa phương đánh tiêu diệt trên 2.000 tên địch, san bằng, bức rút 25 đồn, bốt; hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ 20 xã, 220 ấp, giải phóng 33 vạn dân.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, CBCS Sư đoàn 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chia cắt lộ 4, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long An, vinh dự được góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc chặng đường đánh Mỹ, nguỵ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Liên tục 13 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, Sư đoàn 5 không một ngày ngưng chiến đấu, kiên cường bám trụ, kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, không tiếc xương máu giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; nỗ lực cùng quân và dân Campuchia đánh địch, tái thiết đất nước.

Nhiều địa danh trên nước bạn đã gắn liền với những chiến công vang dội của Sư đoàn 5. Cũng chính trên từng địa danh ấy đã chứng kiến những câu chuyện thật xúc động về tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, tình hữu nghị giữa nhân dân và quân đội Campuchia với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Điều đọng lại suốt cuộc hành trình 10 năm đánh Mỹ, 13 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đối với Sư đoàn 5 là phần thưởng cao quý: Hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được Quân uỷ, Bộ Tư lệnh Miền tặng 17 chữ vàng: “Đoàn kết trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù”.

Năm 1989, sau hơn 10 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, Sư đoàn đã trở về Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng nề nếp chính quy, sẵn sàng cơ động chiến đấu theo yêu cầu của trên. Phát huy truyền thống trong chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã đoàn kết, quyết tâm nêu cao, khắc phục những khó khăn thiếu thốn, vất vả, từng bước xây dựng đơn vị vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 1999, thực hiện Chỉ thị 917 của Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đặc biệt từ năm 2003, thực hiện Chỉ thị 41 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về xây dựng Sư đoàn 5 vững mạnh toàn diện làm điểm cho toàn quân, đơn vị không ngừng chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt công tác.

Liên tục từ năm 2005 - 2014, Sư đoàn có 13 lần được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 tặng cờ thi đua trong phong trào thi đua quyết thắng và phong trào thi đua thực hiện các cuộc vận động của từng chuyên ngành cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Năm 2015, Sư đoàn được Chính phủ tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Trưởng thành từ chiến đấu, xây dựng đơn vị nửa thế kỷ qua, hiện Sư đoàn có 31 cán bộ được phong quân hàm cấp tướng, nhiều cán bộ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

50 năm qua, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 tự hào xứng đáng với lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng  hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây