Lộ trình số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam
Từ nhiều năm qua, các Đài phát thanh, truyền hình thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước hoạt động theo các quy định của pháp luật về Báo chí, các Đài làm cả hai chức năng, vừa sản xuất nội dung chương trình, vừa thực hiện quản lý hệ thống kỹ thuật truyền dẫn phát sóng. Các Đài phát thanh, truyền hình là các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện nhiệm vụ chính về thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà Nước, vì vậy, hoạt động quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng, sử dụng tần số có nhiều hạn chế, đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng trang thiết bị, tần số chưa cao. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của truyền hình số được phổ biến rộng rãi trên truyền thông là cuộc cách mạng về truyền tải thông tin, một kênh tần số khi phát sóng truyền hình số có thể truyền tải đến 20 kênh truyền hình độ nét tiêu chuẩn hoặc 6 kênh truyền hình độ nét cao và người dân có cơ hội được tiếp cận nhiều kênh truyền hình hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Như vậy, số hóa truyền hình mặt đất là hết sức cần thiết, đúng xu thế phát triển công nghệ, đem lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân toàn xã hội.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020, trong đó quy định mục tiêu, lộ trình, điều kiện và thời điểm kết thúc truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 nhóm địa phương, gồm: Nhóm 1 kết thúc ngày 31/12/2015 với 5 thành phố thuộc Trung ương (bao gồm: thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), Nhóm 2 kết thúc ngày 31/12/2016 với 26 tỉnh, thành phố, Nhóm 3 kết thúc ngày 31/12/2018 với 18 tỉnh, thành phố, Nhóm 4 kết thúc ngày 31/12/2020 với các tỉnh, thành phố còn lại.
Tại Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) xác định thời gian ngừng phát sóng tương tự trước ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, theo Văn bản số 1447/UBND-VX ngày 04/7/2013 của UBND tỉnh, tùy theo tiến độ triển khai của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, Đài sẽ có phương án cho thuê lại nhà đặt máy, cột anten. Về phát sóng số mặt đất. Đài PT-TH Tây Ninh không thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh nhưng phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đã được cấp phép để xây dựng kế hoạch khảo sát nhằm xác định số hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh thu được kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu đã được số hoá, đồng thời các chương trình do Đài tự sản xuất (hoặc cùng liên kết sản xuất) phải chiếm khoảng 50% tổng thời lượng phát sóng, đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao dân trí, giải trí, nhất là đối với vùng có đồng bào dân tộc ít người.
Tại Việt Nam, có 67 Đài phát thanh, Đài truyền hình, Đài phát thanh, truyền hình cả ở Trung ương và địa phương; 178 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá phát sóng trên các hệ thống phát thanh, truyền hình mặt đất, trong đó có 103 kênh truyền hình quảng bá, 75 kênh phát thanh quảng bá. Hầu hết hệ thống phát thanh, truyền hình quảng bá hiện đang sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng tương tự truyền thống, mỗi kênh tần số chỉ phát sóng được một kênh truyền hình, chất lượng tín hiệu truyền hình không đồng đều với nhiều nhược điểm như hiện tượng bóng ma, nhiễu dạng muỗi do sóng kém, sai lệch màu sắc.... Chính vì vậy từ năm 2001, các hoạt động thử nghiệm truyền hình số mặt đất được Nhà nước cho phép triển khai, kết quả tích cực được ghi nhận và đến năm 2005 thì truyền hình số mặt đất được phép triển khai diện rộng trên hệ thống kỹ thuật của Đài truyền hình kỹ thuật số (Tổng Công ty VTC).
Theo lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, thời điểm một năm trước khi chấm dứt truyền hình tương tự trên địa bàn, hầu hết cán bộ thông tin cơ sở; phóng viên báo chí thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; nhân viên bán thiết bị truyền hình tại các cửa hàng điện máy tại địa phương được tập huấn và nắm rõ về lợi ích, nội dung, yêu cầu và kiến thức cơ bản của việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số. Đến thời điểm 6 tháng trước khi chấm dứt truyền hình tương tự, hầu hết số hộ dân có máy thu hình tại địa phương được phổ biến và nắm được thông tin cần thiết về việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số. Tuy nhiên, việc dừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) sang truyền hình số mặt đất tại 4 thành phố lớn vào thời điểm 01/01/2016 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu xem truyền hình của người dân tại 19 tỉnh lân cận, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Trước tình hình này, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo về việc lùi thời hạn dừng phát sóng một số chương trình truyền hình analog không thiết yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng như lộ trình ban đầu sang ngày 01/3/2016, vì đây là mốc thời điểm sau khi Đại hội Đảng toàn quốc và Tết Bính Thân kết thúc.
Năm 2016 được xem là năm bản lề của việc thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất. Hiện tại, khâu phủ sóng số đã được đảm bảo cho cả 23 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, tuy nhiên, khâu thu sóng còn gặp khó khăn do việc hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo không đủ thời gian để đáp ứng dù Quỹ Viễn thông công ích đang triển khai các thủ tục từ đấu thầu đến trang bị đầu thu cho các gia đình đủ chuẩn hỗ trợ theo kế hoạch đề ra.
Tâm Giang