Sơ kết 07 năm thực hiện Thông báo kết luận số 27-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

Thứ ba - 27/11/2018 11:00 57 0
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Báo cáo sơ kết 07 năm thực hiện Thông báo kết luận số 27-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về việc sơ kết Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Sau 7 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 27-TB/TW và Kế hoạch số 20-KH/TU các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã đã nâng cao nhận thức trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của cấp mình, ngành mình. 100% các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đơn vị, địa phương và thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mục tiêu, chiến lược phòng, chống HIV/AIDS theo định kỳ 6 tháng, năm, 5 năm, 10 năm…

Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS đã được thành lập từ huyện đến xã, thị trấn; từng bước được củng cố, hoàn thiện và hoạt động ngày càng có hiệu quả với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nhất là cán bộ chuyên trách đã qua các lớp tập huấn về kiến thức HIV/AIDS,.... đã làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành một hoạt động liên ngành phong phú, đa dạng. Mạng lưới phòng chống HIV/AIDS được thành lập và mở rộng duy trì hoạt động. Cụ thể Trung tâm phòng chống HIV được thành lập, mỗi huyện/thành phố và xã/phường/thị trấn có cán bộ phụ trách chương trình phòng chống HIV/AIDS. Hình thành lực lượng đồng đẳng viên nhóm nghiện chích ma túy, nhóm gái mại dâm và nhóm quan hệ đồng tính nam (MSM) để tham gia thực hiện công tác can thiệp giảm tác hại.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền Thông báo Kết luận số 27-TB/TW nói riêng và công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung được triển khai rộng khắp đến cộng đồng dân cư, từng người dân, từng hộ gia đình. Hàng năm, trong Tháng Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con (từ ngày 01/6 đến 30/6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10/11 đến 10/12) đều có sự tham gia hưởng ứng của các ban, ngành đoàn thể, của cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn, mít tinh, diễu hành,.... Các Trạm Y tế đã chủ động cấp phát tờ rơi, tranh bướm, áp phích, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ mang thai; phối hợp với Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân...tổ chức tuyên truyền về các tác hại và cách phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả đã phân bổ khoảng 700.000 tờ rơi các loại; 14.100 quyển báo Tạp chí AIDS và cộng đồng; treo 1.540 băng rôn. Về hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với các hình thức, kết quả đạt 21.135 lượt tuyên truyền với 17.240.114 lượt người tham dự. Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hội viên, đoàn viên và gia đình, xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tính từ ca nhiễm đầu tiên tại Tây Ninh được phát hiện vào năm 1994 đến ngày 30/9/2018, số người nhiễm HIV là 4.901 người; số người nhiễm HIV chuyển AIDS là 3.631 người; số người đã tử vong là 1.554 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.347 người; Số huyện, thành phố có người nhiễm HIV là 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã/phường/thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS; Hòa Thành là nơi có số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cao nhất (877 người), tiếp theo là Gò Dầu (758 người), Thành phố Tây Ninh (674 người)...; một số xã, phường phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV như: Thị trấn Gò Dầu, Trường Tây, Thị trấn Hòa Thành ( Hòa Thành ), Hiệp Ninh ( TP. Tây Ninh ), An Hòa, Thị trấn Trảng Bàng (Trảng Bàng )...Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,297% dân số. Tỉ lệ nhiễm HIV theo đường lây truyền: đường máu: 4,69%; quan hệ tình dục: 71,48%; từ mẹ sang con: 1,81%; không rõ đường lây: 22,02%. Tình hình dịch HIV/AIDS có xu hướng tăng về số lượng mới phát hiện nhiễm HIV/AIDS, AIDS và tử vong, tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm HIV tăng mới không phải người tại tỉnh mà do người nơi khác chuyển về. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng. Hình thái lây truyền qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng tăng so với đường máu, Người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện là nam tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây.

Trong 07 năm qua, chương trình can can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV triển khai tại 09 huyện/thành phố với đội ngũ nhân viên của chương trình hiện có là 190 cộng tác viên, 36 tuyên truyền viên đồng đẳng cho nhóm nghiện chích ma túy, 34 tuyên truyền viên đồng đẳng cho nhóm phụ nữ bán dâm, 09 tuyên truyền viên đồng đẳng cho nhóm MSM. Đã cấp phát 1.626.407 chiếc bao cao su và 1.008.726 cây bơm kiêm tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, một số nơi còn phó mặc cho ngành y tế. Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân chưa hiểu biết hết nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS; vẫn còn thái độ xa lánh với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, chưa thực sự thông cảm với người bệnh. Nguồn nhân lực và ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thấp so với yêu cầu, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, hầu hết các đơn vị chưa chủ động bố trí, bổ sung kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị từ nguồn lực địa phương cho công tác này,...

Báo cáo cũng nêu ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh như: Coi trọng công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, trên cơ sở đó đặt ra các biện pháp dự phòng sát với yêu cầu thực tế địa phương về phòng, chống HIV/AIDS; trong đó chú trọng các giải pháp chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm an toàn tuyệt đối trong kỹ thuật truyền máu và các dịch vụ y tế. Quan tâm, đầu tư kinh phí đúng mức cho công tác phòng chống HIV/AIDS và kiên trì thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống HIV/AIDS trong hệ thống chính trị và toàn xã hội,...

Để hoàn thành mục tiêu tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội;

Báo cáo cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp phòng chống HIV/AIDS như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"; Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng; Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động: dự phòng lây nhiễm HIV đối với nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Thực hiện lồng ghép điều trị HIV/AIDS với các chương trình khác. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại nhà và cộng đồng.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 27-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XI); Chỉ thị số 54-CT/TW tại địa phương và cơ sở. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tham gia và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành cụ thể để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  một cách hiệu quả.

                                                                                       Song Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây