Nghi thức rước ảnh Bác trong một buổi lễ khai mạc Ðại hội Thanh niên tại Sư đoàn 5.
Nguy hiểm hơn, chúng cho rằng nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh là do Ðảng Cộng sản Việt Nam đã du nhập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, coi chiến tranh là giải pháp duy nhất để giải quyết quan hệ với Pháp và Mỹ trong những năm từ 1945-1975. Luận điệu xuyên tạc này nhằm hạ bệ, loại bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và Ðảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi đời sống xã hội ở nước ta.
Thực tế, cho dù các thế lực thù địch có tung ra đủ các nội dung, luận điệu xuyên tạc cũng không thể phủ nhận được chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường giải phóng dân tộc, đó là dùng sức mạnh của đông đảo quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ðảng vô sản. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng không bao giờ coi chiến tranh là phương thức duy nhất của cách mạng vô sản nói chung và cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng.
Thắng lợi chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975) của Ðảng và nhân dân ta đã khẳng định tính đúng đắn của sự vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trước hết là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Với Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã tiến hành một cuộc tổng khởi nghĩa trên khắp đất nước. Ðảng ta chủ trương dùng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị là chủ yếu, có lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang hỗ trợ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đáng lẽ nhân dân cả nước ta được sống trong hoà bình, độc lập, tự do, nhưng thực dân Pháp lại trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, dùng chiến tranh xâm lược đặt lại ách thống trị thực dân trên đất nước ta.
Từ yêu cầu cần hoà bình để xây dựng đất nước và tương quan bất lợi cho Việt Nam nếu chiến tranh với thực dân Pháp trên quy mô cả nước xảy ra, Ðảng, Chính phủ ta đã chủ trương hoà hoãn với thực dân Pháp, tranh thủ giải quyết quan hệ Việt - Pháp, đàm phán hoà bình bằng các Hiệp ước sơ bộ (ngày 6.3.1946) và Tạm ước ngày 14.9.1946, đồng thời nhân nhượng nhiều điều kiện với Pháp. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và ưu thế tuyệt đối về quân sự, thực dân Pháp đã đánh chiếm toàn bộ đất nước ta.
Không cam chịu mất nước, trở lại kiếp nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta một lần nữa đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: sự thật đã rõ ràng, nguyên nhân gây ra chiến tranh Pháp - Việt là do thế lực thực dân hiếu chiến đang cầm quyền nước Pháp cố tình gây ra.
Nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình. Trừ bọn thực dân xâm lược và đám bồi bút của chúng cố tình đổi trắng thay đen, vu cáo “Việt Minh đánh trước gây ra cuộc chiến tranh”, còn những người có lương tri trên thế giới, kể cả những nhà sử học, những chính khách nước Pháp đều công nhận sự thật trên.
Giai đoạn từ giữa năm 1954 đến năm 1959, Ðảng ta tiếp tục chủ trương chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Genève, phấn đấu giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.
Tuy nhiên, với âm mưu hất cẳng Pháp, nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, một tiền đồn quân sự của Mỹ ở Ðông Nam Á, Ðế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Genève và hậu thuẫn chính quyền Ngô Ðình Diệm thành lập nước Việt Nam cộng hoà vào giữa năm 1956. Chính quyền Ngô Ðình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Bằng chính sách phát xít của Mỹ - Diệm, từ giữa năm 1954 đến năm 1959, cách mạng miền Nam bị đàn áp dã man, gần 500 ngàn đảng viên và đồng bào yêu nước bị bắt giam, tù đày, gần 70 ngàn người bị giết hại. Như vậy, Mỹ - Diệm đã đơn phương thực hiện chiến tranh chống lại nhân dân miền Nam.
Chẳng những thế, chúng còn hò hét “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến, giải phóng cố đô...”. Trong hoàn cảnh này, Ðảng ta xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Bằng đòn tiến công chính trị là chính, kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ, nhân dân miền Nam đã giành thắng lợi trong phong trào Ðồng Khởi (1960), căn bản làm tan rã hệ thống chính quyền của Mỹ - Diệm ở nông thôn.
Từ năm 1961 đến năm 1973, trước hành động ngày càng leo thang của Ðế quốc Mỹ với các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh”, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng tất cả tinh thần và lực lượng, vì sự sống còn của dân tộc và vì lợi ích chung của phong trào cách mạng thế giới. Tới thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Ðảng và nhân dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước.
Một sự thật lịch sử không thể nào khác về chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn lý luận Mác-Lênin và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, trong bối cảnh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trắng trợn dùng chiến tranh xâm lược đất nước ta. Chính giặc ngoại xâm là kẻ gây ra chiến tranh.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng, lãnh sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội; đương nhiên phải động viên, tổ chức toàn dân đứng lên cầm vũ khí chiến đấu để tự bảo vệ quyền sống thiêng liêng của mình, và đưa chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành tư tưởng chính thống của xã hội Việt Nam.
Theo Báo Tây Ninh Online