Sốt xuất huyết: Trẻ em mắc nhiều, người lớn cũng không ít!

Thứ năm - 07/05/2015 11:00 82 0
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục YTDP, Bộ Y tế cho biết: từ đầu năm 2015 đến nay, bệnh SXH có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ. Đáng chú ý, nếu như ở ĐBSCL, người mắc chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi, thì các tỉnh Đông Nam Bộ bệnh nhân người lớn lại rất cao.

Bệnh đang gia tăng

Theo PGS. Trần Đắc Phu, năm 2014, Việt Nam ghi nhận gần 31.850 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 20 ca tử vong (riêng miền Nam chiếm 95%). Số ca mắc và chết do SXH của năm 2014 thấp nhất trong 10 năm qua nhưng năm 2015, dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, gia tăng nếu không kiểm soát tốt.

Riêng ba tháng đầu năm 2015 cả nước ghi nhận 8.320 ca mắc; riêng miền Nam số ca mắc tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 6 trường hợp tử vong, trong đó TP.HCM có hai ca. ThS.BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho biết: số ca mắc bệnh trên địa bàn TP ba tháng đầu năm đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2014, nguyên nhân là do đuôi dịch 2014 kéo dài.

PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết thêm, bệnh SXH có nguy cơ tăng số mắc ở người lớn, tập trung ở các địa phương phát triển mạnh về đô thị và khu công nghiệp. Phân bố số mắc SXH khu vực phía Nam cho thấy người bệnh ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi, trong khi tại các tỉnh Đông Nam Bộ thì số bệnh nhân người lớn lại rất cao. Khi người lớn mắc bệnh không được chủ quan, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Bởi bản chất của SXH nặng ở người lớn rất phức tạp, bệnh nhân dễ bị sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu phải thở máy…

triet pha.jpg

Thời gian này, nhiều trẻ phải đi khám bệnh. Ảnh: N.Hưng

Có thể mắc lại bệnh nhiều lần

Bệnh SXH do virút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4. PGS. Phan Trọng Lân lưu ý, Viện Pasteur TP.HCM chưa ghi nhận có sự biến đổi gen của virút SXH nhưng týp D3 đang trong giai đoạn tiến lên và sẽ lan rộng. Năm 2013, týp D3 chỉ xuất hiện ở 4 tỉnh thì năm 2014 đã lên 8 tỉnh và tiếp tục lan rộng.

Người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang virút tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng.

Thậm chí trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong suốt đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần vài chục trứng… việc kiểm soát vì thế gặp rất nhiều khó khăn.Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt vào mùa mưa nếu không triển khai khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Bệnh SXH thường có biểu hiện rất cấp tính như: sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây