![]() |
Cấp phát thuốc BHYT |
PV: Thưa bác sĩ, tính đến nay đã tròn 3 năm thực hiện Luật BHYT. Công tác BHYT so với trước khi luật này ra đời?
BS. Nguyễn Thị Năm: Sau 3 năm thực hiện Luật BHYT, tính đến tháng 5.2012, số người tham gia BHYT ở Tây Ninh là 492.329 người, chiếm 46,4% dân số, cao hơn so với năm 2009 (468.729 người, chiếm 44,2% dân số). Đây là một kết quả khả quan, tuy chưa đạt như mong muốn.
PV: Vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là việc tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh và tăng mức phí tham gia BHYT. Giá dịch vụ tăng liệu có tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh BHYT không, thưa bà?
BS. Nguyễn Thị Năm: Hiện nay, khung giá dịch vụ y tế của Tây Ninh chưa ban hành do còn chờ thông qua HĐND tỉnh. Một trong những vấn đề mà người dân Tây Ninh quan tâm nhất là việc tăng giá viện phí có “tỷ lệ thuận” với chất lượng khám chữa bệnh không? Hay như việc Bộ Y tế đưa ra những định mức cụ thể, ví dụ như 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày nhưng những cơ sở y tế không thực hiện được thì có cách nào giải quyết? Theo thông tin chúng tôi được biết, đối với các địa phương khi chưa bảo đảm xác định đúng định mức thì phải xây dựng khung giá thấp, ví dụ tiền công khám chỉ bằng 40-50% khung giá tối đa; hằng năm trích lại một phần kinh phí để tiếp tục sửa chữa, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng khu khám bệnh, thu hút thêm nguồn nhân lực phục vụ.
Còn về mức phí tham gia BHYT tăng là do lộ trình thực hiện được quy định trong Luật BHYT nhằm mục đích cân đối quỹ, bởi vì mức phí tham gia BHYT được xây dựng dựa trên mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.
PV: Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cũng như vấn đề nợ đọng BHYT ở Tây Ninh hiện như thế nào? Ngành BHXH cũng như các ngành có liên quan khác đã có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa bác sĩ?
BS. Nguyễn Thị Năm: Theo thống kê của chúng tôi, năm 2011, quỹ khám chữa bệnh BHYT của Tây Ninh đã bội chi gần 15,5 tỉ đồng. Nguyên nhân có phần do nợ đọng BHYT ở một số đơn vị sử dụng lao động. Và cũng do một vài cơ sở khám chữa bệnh đã lạm dụng trong việc chỉ định sử dụng các dịch vụ y tế để điều trị.
![]() |
Nhân viên y tế hướng dẫn thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT |
Đối với các đơn vị nợ BHYT, tuy đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình trì hoãn hoặc trốn tránh tham gia BHYT cho người lao động. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17.10.2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Theo đó, người sử dụng lao động không đóng BHYT cho người lao động sẽ bị phạt tiền với 6 mức, mức cao nhất (không đóng BHYT cho từ 1.001 người lao động trở lên) từ 20-30 triệu đồng. Một số hành vi sai phạm khác như: cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh, lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh, lạm dụng dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh BHYT, sử dụng quỹ BHYT sai quy định… cũng đều bị phạt theo quy định.
PV: Với đối tượng nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, việc thực hiện BHYT cho họ ra sao?
BS. Nguyễn Thị Năm: Theo Luật BHYT, hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT. Ở Tây Ninh, tỉnh hỗ trợ thêm 50% mức còn lại cho nhóm đối tượng này. Như vậy, hộ cận nghèo tỉnh ta được ngân sách Nhà nước chi 100% để mua BHYT (từ tháng 10.2011).
Trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc thống kê, lập danh sách số trẻ dưới 6 tuổi và việc chuyển phát thẻ BHYT cho trẻ ở cấp xã chưa kịp thời; nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức được sự cần thiết của việc có thẻ BHYT, đến khi trẻ có bệnh mới liên hệ để được cấp.
PV: Theo quy định, kể từ ngày 1.10.2010 học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nhưng trong thực tế, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng này ở Tây Ninh tương đối thấp. Bác sĩ có ý kiến gì về vấn đề này?
BS. Nguyễn Thị Năm: Có nhiều nguyên nhân khách quan tác động đến quá trình thực hiện công tác này, trong đó phần lớn xuất phát từ nhận thức của đại bộ phận phụ huynh học sinh. Cũng phải nhìn nhận, đối với không ít gia đình, các khoản phí tổn buộc phải lo để con em được cắp sách đến trường đã là một gánh nặng. Còn chúng ta thì chưa có biện pháp nào để buộc học sinh phải tham gia BHYT 100% ; việc đưa tỷ lệ học sinh tham gia BHYT vào tiêu chí xét thi đua của các trường học là không khả thi mặc dù phương pháp này đã được tính đến.
Trong đợt sinh hoạt chính trị hè sắp tới của ngành Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền Luật BHYT, mà trọng tâm là nói về BHYT học sinh, sinh viên. Mong rằng các ngành, các cấp, đặc biệt là 2 ngành BHXH và Y tế phối hợp chặt chẽ hơn, cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Luật BHYT theo phương châm “Bảo hiểm y tế - Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”.
PV: Xin cảm ơn Bác sĩ!
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc