Bón phân vi sinh bằng máy cày có gắn thiết bị do kỹ sư Hoà và cộng sự sáng chế |
Thiết bị bón phân vi sinh không bụi
Theo kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà, một trong những hạn chế của người nông dân, nhất là nông dân trồng mía lâu nay là chỉ chú trọng bón phân vô cơ. Loại phân này tuy có tác dụng nhanh đối với cây trồng nhưng cũng để lại hậu quả là nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng cạn kiệt. Do vậy, việc bổ sung nguồn phân hữu cơ cho đất rất cần thiết. Phân hữu cơ, ngoài việc giúp cho cây mía hấp thu tối đa nguồn phân vô cơ, còn giúp cho hệ vi sinh vật có ích trong đất hoạt động tốt hơn. Mặt khác, trong quá trình sản xuất và chế biến đường từ cây mía, các nhà máy sản sinh ra một lượng phụ phẩm rất giàu chất hữu cơ, đó là tro và bã bùn, có thể dùng để chế biến ra phân hữu cơ vi sinh. Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân sử dụng loại phân này để làm tăng sản lượng và chất lượng cây mía, đồng thời tạo độ bền vững về hữu cơ cho đất. Vấn đề đặt ra là làm sao để việc bón loại phân hữu cơ vi sinh này trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao- không gây bụi làm ô nhiễm môi trường và có thể bón với một số lượng lớn mà chi phí chỉ ở mức thấp nhất.
Kỹ sư Hoà giải thích nguyên lý hoạt động của thiết bị bón phân vi sinh không bụi |
Được sự ủng hộ của lãnh đạo Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh, kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà đã mày mò nghiên cứu, chế tạo máy rải phân vi sinh không bụi. Sau gần một năm miệt mài với công việc, trải qua nhiều lần thử nghiệm, ngày 17.7 vừa qua, máy rải phân vi sinh không bụi của kỹ sư Hoà đã chính thức được đưa vào sử dụng. Kết quả ban đầu cho thấy, thiết bị này đã đem lại hiệu quả lớn, có giá trị về mặt kinh tế lẫn môi trường và bảo vệ sức khoẻ cho người sử dụng.
Thiết bị bón phân vi sinh nói trên được thiết kế gồm vỏ thùng chứa phân bằng inox có thể tích khoảng 750kg cho một lần bón. Để hoạt động được, thiết bị phải kết nối với động cơ máy cày và một chiếc moteur thuỷ lực. Moteur này có chức năng điều chỉnh lưu lượng phân bón ít hoặc nhiều tuỳ theo nhu cầu, tính toán của nông dân. Trong thùng chứa phân có gắn một trục trộn để giúp đưa phân xuống đều hơn và không tạo lỗ hổng trong máng phân. Với loại thiết bị này, ngay cả khi phân bị ướt vẫn được đánh tơi ra để rải xuống ruộng.
Theo tính toán, so với bón phân bằng tay thì bón bằng máy tiết kiệm được 50% chi phí. Thiết bị bón phân vi sinh có thể bón được khoảng 6-8 hecta đất mỗi ngày. Do hoạt động theo nguyên lý cơ khí nên phân được bón rất đều và đặc biệt là không phát tán bụi bặm. Giá thành của mỗi thiết bị khoảng 40 triệu đồng. Hiện đã có một công ty đặt hàng kỹ sư Hoà 3 máy để bón phân cho hơn 1.300 hecta mía.
Cải tiến thiết bị bón phân cho cây cao su
Sau khi thành công với thiết bị phun thuốc trừ sâu, kỹ sư Hoà cùng cộng sự lại nung nấu ý tưởng cải tiến thiết bị bón phân cho cây cao su (trên cơ sở thiết bị hiện có). Với thiết bị đã được cải tiến, các loại phân hỗn hợp được trộn đều hơn, gốc cây cao su nào cũng nhận được đủ thành phần các loại phân cần thiết. Việc định lượng phân bón là rất quan trọng, vì mỗi một tuổi cây cao su có nhu cầu phân bón khác nhau. Nhóm thiết kế của anh Hoà đã gắn thiết bị tải phân với một moteur truyền động bằng thuỷ lực có thể điều chỉnh cho phân xuống nhanh, chậm, ít, nhiều một cách dễ dàng. Để khắc phục tình trạng cứ sau mỗi cơn mưa lớn trong các luống cao su lại tạo thành dòng chảy do việc cày xới để lại, nhóm thiết kế đã lắp vào thiết bị hai cái chảo lấp đất. Bộ phận này có thể điều chỉnh góc xoay giúp đất được lấp tốt hơn, hạn chế hiện tượng nói trên.
Để hoạt động được, thiết bị phải được kết nối với động cơ máy cày. Thiết bị bón phân sau khi cải tiến có thể bón được từ 10 - 15 hecta cao su mỗi ngày, thay thế được từ 10 - 15 nhân công lao động. Mặt khác, thiết bị này sẽ làm cho việc bón phân được đồng đều và giảm thiểu thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi.
“Từ khi cải tiến thành công đến nay, chúng tôi đã chuyển giao tới một số nông dân trồng cao su tại Tây Ninh. Chúng tôi cũng đã bán được cho Công ty Cao su Gia Lai chi nhánh tại Campuchia 8 cái, hiện đang gia công cho Công ty Cao su Tân Biên chi nhánh Campuchia 1 cái”- kỹ sư Hoà cho biết như thế.
Thiết bị “tăng bo” mía thay cho xe bò
Nhận thấy đối với bà con nông dân trồng mía ở vùng đất thấp, việc dùng xe bò để chuyển mía từ ruộng đến xe chở mía quá nhiêu khê, vất vả, kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà đã nghĩ đến việc chế ra loại máy “tăng bo” mía thay cho xe bò.
Thiết bị này được thiết kế khá giản đơn. Đó là một khung sắt có bề mặt phẳng hình chữ nhật. Khung sắt này, cộng với một số chi tiết khác được gắn vào phía sau của đầu máy xe kéo. Do khoảng cách giữa khung sắt và mặt đất cao không quá 1 mét nên người bốc mía đỡ hao tổn năng lượng và nhất là không ẩn chứa nhiều rủi ro như khi vác mía leo lên xe bò hoặc thùng xe máy cày. Thời gian di chuyển từ ruộng mía đến xe chở mía bằng loại thiết bị do kỹ sư Hoà làm ra nhanh hơn rất nhiều so với việc dùng xe bò. Trên phương diện kinh tế, “tăng bo” bằng đầu máy cày có gắn loại thiết bị này mỗi tấn mía chỉ tốn khoảng 35.000 đồng (cho khoản chi xăng dầu), còn nếu thuê xe bò thì phải mất 50.000 đồng. Hiện đã có nhiều nông dân ở Châu Thành, Bến Cầu, Tân Châu tìm đến, đặt hàng kỹ sư Hoà. Giá thành của loại thiết bị tiện dụng này cũng khá mềm: chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng một máy.
Theo BTNO