Ông Nguyễn Đình Xuân- Bí thư Huyện uỷ Tân Châu kiểm tra tình hình dịch bệnh khảm lá (ảnh: Chí Thành).
Gần ba tháng nay, nhiều nông dân trồng cây mì (sắn) trên địa bàn huyện Tân Châu bị thiệt hại nặng do dịch bệnh khảm lá mì. Với tốc độ lây lan nhanh, loại dịch bệnh này lại chưa có thuốc đặc trị nên người nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng trong niên vụ sản xuất này.
Huyện Tân Châu có diện tích trồng mì khá lớn, hằng năm đạt trên dưới 10.000 ha. Trong vụ Đông - Xuân và Hè - Thu 2017, toàn huyện đã xuống giống gần 11.000 ha mì. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng ngàn ha mì ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau bị dịch bệnh khảm lá tấn công, khiến người nông dân lo lắng, bất an, thậm chí mất tinh thần. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện, tính đến ngày 12.10.2017, toàn huyện có hơn 4.400 ha mì bị nhiễm bệnh (tăng hơn 2.900 ha so với thời điểm công bố dịch ngày 20.7.2017).
Trước tình hình dịch bệnh lan nhanh trên địa bàn, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì và thành lập đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, đồng thời ban hành các văn bản về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh khảm lá mì trên địa bàn huyện. Lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan.
Bệnh
khảm lá mì mới xuất hiện gần đây trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhất là ở
các xã giáp ranh với Campuchia. Bệnh lây truyền phổ biến qua bọ phấn
trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Biểu hiện của bệnh là trên lá
cây mì xuất hiện những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Khi cây trồng bệnh nặng, vết vàng loang rộng ra trên phiến lá mì, làm lá biến dạng, nhăn nheo, cuốn lại và nhỏ dần. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, làm giảm năng suất và chất lượng cây mì rõ rệt. Nếu mì bị nhiễm bệnh lúc còn non, cây trồng sẽ chết, và nếu không phòng trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan ra các vùng khác rất nhanh. Cây mì bị bệnh khảm lá, sau khi ngắt ngọn, chồi mới phát triển vẫn tiếp tục có triệu chứng bệnh. Bọ phấn trắng có vòng đời khoảng 25 đến 30 ngày. Con bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, chiều dài 0,75 - 1,4mm, sải cánh dài 1,1 - 2mm. Hai đôi cánh trước và sau dài bằng nhau. Toàn thân và cánh được phủ bởi một lớp phấn màu trắng. Bọ trưởng thành rất linh hoạt, thường hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều mát; có khả năng bay đi xa nhờ gió. |
Theo đó, huyện và các ngành có liên quan đã mở được 13 lớp tập huấn và cấp phát hàng trăm tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống truyền thanh của huyện đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh khảm lá mì trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền, tập huấn về cách nhận dạng, triệu chứng, tác hại, cách lây lan của bọ phấn trắng và bệnh khảm lá; phương pháp điều tra, đánh giá, xác định dịch hại theo quy định; biện pháp tiêu huỷ và phòng, chống theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.
Kết hợp thông tin về kế hoạch tiêu huỷ cây mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn, công khai các thủ tục và mức hỗ trợ sản xuất cho diện tích bị thiệt hại do tiêu huỷ cây mì bị nhiễm bệnh. Qua gần ba tháng công bố dịch khảm lá, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phun thuốc trừ bọ phấn với diện tích gần 4.500 ha; tiêu huỷ gần 1.200 ha cây mì bị nhiễm bệnh bằng phương pháp nhổ đốt và cày vùi; đã triển khai phân bổ trên 2,1 tỷ đồng kinh phí phun thuốc cho các địa phương.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh khảm lá mì lây lan, trong tháng 9 vừa qua, UBND huyện Tân Châu đã chọn xử lý điểm trên diện tích khoảng 3 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá dưới 30%, từ 2 đến 3 tháng tuổi ở địa bàn ấp Đông Hà, xã Tân Đông dưới sự giám sát của Hội Nông dân tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện. Người dân tham gia xử lý điểm cây mì nhiễm bệnh được hỗ trợ thuốc phun trừ bọ phấn trắng 3 lần, công nhổ đốt cây mì nhiễm bệnh, phân bón lá cây mì 1 lần.
Gia đình ông Giáp Văn Tăng, sinh năm 1962, ngụ tổ 8, ấp Đông Hà, xã Tân Đông trồng 17,5 ha mì được gần 6 tháng, cây trồng phát triển rất tốt, củ nhiều, chỉ lác đác vài cây bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng trước tình hình dịch khảm lá mì hiện nay, nếu cây mì bị bệnh sẽ cho năng suất rất thấp, chất lượng củ mì cũng vì thế mà sẽ giảm xuống; do đó, hiện nay, ông đang tích cực phun thuốc phòng trừ dịch bệnh cho toàn bộ diện tích.
Không may mắn như gia đình ông Giáp Văn Tăng, toàn bộ ruộng mì của gia đình ông Nguyễn Văn Chinh, sinh năm 1976, nông dân chuyên trồng cây mì rơi vào tình cảnh khó khăn khi toàn bộ diện tích 14 ha mì của gia đình nhiễm bệnh khảm lá. Lúc đầu ông Chinh không rõ mì bị bệnh gì nên mua thuốc về xịt hy vọng sẽ cứu được ruộng mì, nhưng qua nhiều lần phun thuốc, ruộng mì càng bị bệnh nặng hơn.
Sau khi ngành chức năng và chính quyền địa phương, ông Chinh đành chấp nhận cày vùi 7 ha mì nhiễm bệnh nặng trên 70%. Ông Chinh than thở: “Mỗi ha mì tôi đầu tư gần 20 triệu đồng, nay phải tiêu huỷ hết 50% diện tích, 50% diện tích còn lại tôi đang cố gắng phun xịt thuốc với hy vọng sẽ cứu vớt phần nào. Trong tình hình dịch bệnh khảm lá diễn biến phức tạp như hiện nay, gia đình tôi chắc chắn sẽ bị thiệt hại không nhỏ”.
Kiểm tra dịch bệnh trên cây mì.
Theo các nông dân trồng mì, dịch bệnh khảm lá này từ trước tới nay họ chưa từng gặp phải, nên khi dịch lây lan với tốc độ nhanh khiến nhiều người hết sức lo lắng trước viễn cảnh mất trắng vụ mì năm nay. Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏ, sinh năm 1964, ngụ ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông có 3 ha mì bị nhiễm bệnh nhưng chưa đến mức phải tiêu huỷ, ông Tỏ cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ thuốc, gia đình tôi đã tiến hành phun xịt trên diện tích mì nhiễm bệnh để hạn chế sự phát triển của dịch.
Tôi mong muốn, tới đây, các cấp chính quyền sẽ tích cực hỗ trợ người nông dân trong quá trình phòng trừ dịch hại trên cây mì để bà con có nguồn thu nhập, tái sản xuất cho vụ sau”. Được biết, huyện Tân Châu hiện đang chờ sự thống nhất chủ trương từ các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về mức hỗ trợ chi phí tiêu huỷ cây mì bị nhiễm bệnh và vốn để người nông dân tái sản xuất cây trồng.
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do bệnh khảm lá trên cây mì mới xuất hiện ở Việt Nam và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên toàn bộ diện tích bị bệnh cần phải tiêu huỷ bằng các biện pháp cày lấp hoặc đốt sau khi phun thuốc diệt mầm bệnh 3 ngày để tránh lây lan. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư cho mỗi ha mì khoảng 20 triệu đồng, trong khi Nhà nước hỗ trợ không nhiều, nên vẫn còn nhiều nông dân có diện tích mì bị bệnh chỉ tiến hành phun thuốc để tận thu củ chứ không tiêu huỷ do tâm lý “tiếc của”, khiến dịch bệnh ngày càng lan rộng như tình trạng hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Phong- Trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo: “Bệnh khảm lá mì chủ yếu lây qua hai con đường. Thứ nhất là qua hom giống, hom giống bị bệnh lúc đem trồng chắc chắn khi chồi mọc lên sẽ bị bệnh ngay; do vậy, người nông dân tuyệt đối không lấy hom mì giống bị bệnh đem trồng. Nguồn lây thứ hai là do bọ phấn trắng từ cây bị bệnh truyền bệnh cho cây khoẻ. Trong điều kiện hiện nay có khả năng không tiêu diệt được hết bọ phấn trắng lây truyền bệnh khảm lá khoai mì, người nông dân nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để cắt nguồn bệnh tránh lây lan cho những vụ sau”.
Với tốc độ lây lan nhanh, trong khi loại dịch bệnh này lại chưa có thuốc đặc trị, thiết nghĩ, người nông dân cần đồng lòng, chung tay cùng các cấp chính quyền thực hiện biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay bằng cách nhổ cây nhiễm bệnh, thu gom và đốt ngay sau khi nhổ để ngăn ngừa bọ phấn trắng mang mầm bệnh phát tán. Có như vậy mới dần đưa cây mì hồi sinh, khẳng định chỗ đứng của loại cây thế mạnh này từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
Theo Báo Tây Ninh Online