Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Hướng đến nền sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn và sản phẩm sạch, an toàn

Thứ tư - 06/07/2016 10:00 52 0
Thời gian gần đây, chăn nuôi quy mô trang trại- đặc biệt là chăn nuôi heo, gia cầm phát triển rất mạnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, khép kín, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường; chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ tiếp tục giảm.

 

Một mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nêu: Đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn; nâng cao chất lượng sản phẩm; giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích; phấn đấu đến năm 2020 doanh thu bình quân trên một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản đạt từ 110 triệu đồng/ha/năm trở lên. Hình thành các vùng chuyên canh rau sạch, vùng lúa chất lượng cao. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; tạo điều kiện phát triển đàn bò sữa; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 25%...

Để góp phần thực hiện các mục tiêu đó, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, ngành xác định nuôi, trồng phải theo quy mô lớn, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn để nâng cao tỷ trọng và giá trị của sản phẩm và phát triển bền vững.

Cơ cấu lại cây trồng chủ lực

Theo nhận định của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh, hiện nay, tất cả các cây trồng truyền thống đã định hình, gắn với vùng nguyên liệu. Sự phát triển này giúp cho nông nghiệp Tây Ninh đi lên trong quá trình dài. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, doanh thu trên một đơn vị diện tích đối với một số cây trồng truyền thống vẫn còn thấp. Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, phải làm sao để nâng cao hiệu quả, doanh thu của cây trồng truyền thống, làm sao phát triển được những sản phẩm tiềm năng mà tỉnh có thế mạnh để nâng cao hiệu quả và hướng vào những thị trường khó tính.

Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp có 2 ngành chính là trồng trọt (hiện chiếm tỷ trọng trên 85%) và chăn nuôi (chiếm gần 15%). Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp xác định cây nào có lợi thế, cây nào đang có nhiều bất lợi để tái cơ cấu. Theo đó, ngành Nông nghiệp xác định cây lúa, cây khoai mì, một số loại rau quả, cây mãng cầu là những cây đang có lợi thế, cần phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Đối với những cây trồng hiện đang bất lợi như mía, cao su... cũng phải tái cơ cấu để đủ sức cạnh tranh.

Những năm trước đây, do giá mủ cao su lên cao, người dân trồng ồ ạt nên diện tích cao su tăng lên đến hơn 96.000 ha, phá vỡ quy hoạch. Sau đó, giá cao su liên tục lao dốc và duy trì ở mức thấp. Ông Trong khuyến cáo, người dân nên giảm diện tích cao su không hiệu quả, chuyển đổi sang cây trồng khác như cây ăn trái, phát triển vùng trồng rau sạch.

Trong lĩnh vực mía đường, trên cơ sở phân tích giá thành, ngành Nông nghiệp cho rằng, nước có khả năng cạnh tranh mạnh với Việt Nam là Thái Lan. Trong khi giá thành của đường Thái Lan hiện thấp hơn Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả, ngành Nông nghiệp cần xây dựng lộ trình hạ giá thành. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải đánh giá cơ cấu, thành phần, tìm nguyên nhân để có những giải pháp hạ giá thành.

Đối với cây mía, tồn tại lớn nhất là năng suất thấp, trong khi chi phí nhân công, chi phí vật tư quá lớn. Như vậy, để giải quyết vấn đề giá thành, cần phải tăng năng suất. Muốn tăng năng suất phải giải quyết 2 yếu tố cơ bản: kỹ thuật canh tác và cơ giới hoá đồng bộ. Từ đây, ngành Nông nghiệp mới tập trung xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Hướng đến chăn nuôi quy mô lớn, an toàn

Hiện toàn tỉnh có khoảng 10.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì vậy muốn đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giảm giá thành là rất khó. Hơn nữa, chăn nuôi nhỏ lẻ dễ phát sinh dịch bệnh. “Để ngành chăn nuôi đứng vững được, không còn cách nào khác là phải chăn nuôi theo trang trại tập trung”- ông Trong khẳng định.

Thời gian gần đây, chăn nuôi quy mô trang trại- đặc biệt là chăn nuôi heo, gia cầm phát triển rất mạnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, khép kín, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường; chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ tiếp tục giảm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 13 dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại, trong đó có 9 dự án nuôi heo với quy mô 40.000 con/năm và 4 dự án chăn nuôi gà với quy mô 100.000 con/năm.

Trong phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp hướng đến phát triển 3 đối tượng chính là bò, heo, gia cầm. Đối với chăn nuôi bò, ngành Nông nghiệp tập trung lai tạo để nâng cao năng suất và chất lượng thịt. Hiện bò Úc có trọng lượng bình quân khoảng 500 - 600kg/con, trong khi bò của Việt Nam có trọng lượng chỉ khoảng 300 - 350kg/con. Ông Trong thông tin: “Ngành Nông nghiệp đã lập đề án chuyển từ bò nền sang bò hướng thịt để nâng thể trọng, tăng tỷ lệ thịt xẻ”.

Đối với chăn nuôi heo và gia cầm, ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển trang trại theo hướng hiện đại. Hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích, các nhà đầu tư, nông dân phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, tỉnh cũng đang có những chủ trương thu hút những dự án quy mô lớn, dành quỹ đất để phát triển những trang trại từ 1 triệu trứng gà/ngày, 50.000 con heo/trại...

Những dự án lớn này sẽ tạo nền và kéo theo nông dân phát triển nhằm giảm quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi đã có những nhà đầu tư lớn, việc ứng dụng triệt để các tiến bộ khoa học - kỹ thuật sẽ được thực hiện, từ đó giá thành sẽ giảm thấp, sức cạnh tranh tăng lên. “Chuyển hướng, dứt khoát sẽ tăng đàn rất nhanh” - ông Trong khẳng định như vậy.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây