Để đạt được kết quả kết trên, các ngành, các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về rượu, bia. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh: 120 tin, 25 bài; trên Báo Tây Ninh (báo in và báo điện tử): 145 tin, bài; trên Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh: 110 tin, bài; 15 phóng sự; Tổ chức 797 cuộc tuyên truyền bằng xe loa lưu động, dán trên 1.000 băng ron, khẩu hiệu về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và việc xử lý của Nhà nước đối với việc sử dụng thức uống có cồn quá nồng độ cho phép, tại các khu vực đông dân cư, trường học, các chợ, các tuyến giao thông trọng điểm, phức tạp, tại nơi đăng ký xe của Công an các huyện, thành phố với 161.339 lượt người tham dự; Cấp phát gần 50.000 tờ rơi và 3.010 đĩa phục vụ công tác tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn; 1500 tờ rơi "Tác hại, nguyên nhân và phòng ngừa ngộ độc rượu" đến người dân. Tập huấn tuyên truyền ngộ độc do rượu 266 buổi với 5.528 người dự.
Từ năm 2014 - 2016, Công an tỉnh đã điều tra làm rõ, khởi tố 107 vụ, 155 bị can vi phạm pháp luật hình sự do việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra. Trong đó: khởi tố 97 vụ, 133 bị can về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo Điều 104, Bộ Luật Hình sự năm 1999; khởi tố 10 vụ, 22 bị can về tội giết người theo Điều 93, Bộ Luật Hình sự năm 1999. Đã lập 67.767 biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông có liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền khoảng 86.343.000.000 đồng (tám mươi sáu tỉ, ba trăm bốn mươi ba triệu đồng). Trong năm 2016, tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, 16 trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn đã được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các đoàn liên ngành của tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn trên địa bàn. Trong 2 năm 2015 và 2016 thực hiện tổng số vụ kiểm tra đối với lĩnh vực này là: 157 vụ. Trong đó số vụ vi phạm: 14 vụ (Vi phạm về nhập lậu: 02 vụ; Vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh rượu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 09 vụ; Vi phạm về không có hợp đồng mua bán của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu: 03 vụ), xử phạt hành chính: 149.000.000 đồng.
Thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt các quy định pháp luật phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tại địa phương triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác trong thanh thiếu niên. Tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực quảng cáo, tuyệt đối không quảng cáo các sản phẩm rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội và tăng cường kiểm tra bảo đảm các hoạt động này không có quảng cáo, tiếp thị và tài trợ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu; tiếp tục thực hiện kiểm tra việc quảng cáo đồ uống có nồng độ cồn cũng như việc trưng bày, bán đồ uống có nồng độ cồn tại các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường, cơ sở lưu trú cũng như các dịch vụ kinh doanh khác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác, các cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động, kinh doanh rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ,… đặc biệt là tăng cường quản lý đối với sản xuất và kinh doanh rượu thủ công và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông khi sử dụng rượu, bia.
KGVX