Tôn vinh nữ nhà báo và đề tài nữ trên báo chí

Thứ sáu - 10/03/2017 15:00 102 0
Triển lãm “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ” nhằm kỷ niệm 100 ngày có nữ tổng biên tập đầu tiên tại Việt Nam và 99 năm tờ báo nữ đầu tiên cửa chúng ta gia nhập làng báo, là một điểm nhấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay.

Tại buổi khai mạc Triển lãm vào chiều 6/3, bà Trần Thị Kim Hoa, Trưởng Ban Quản lý các dự án thành phần, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam), cho biết: "Báo chí Việt Nam bắt đầu từ năm 1865 khi tờ báo tiếng Việt đáu tiên được xuất bản. 52 năm sau, vào năm 1917, một phụ nữ được mời làm chủ bút của một tờ báo nữ mang tên Nữ Giới Chung, đó là bà Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây là nữ tổng biên tập đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, chuẩn bị và tiếp cận lịch sử báo chí các giai đoạn, tham khảo các công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, sách đã xuất bản..., chúng tôi nhận thấy đề tài nữ trên báo chí đã xuất hiện sớm trên báo chí Tiếng Việt, vào khoảng những năm 1882 -1884. Điều này giúp chúng tôi tin hơn rằng vấn đề phụ nữ không thể bị bỏ quên trên báo chí cho đến đầu thế kỷ XX, khác với một số nhận định đã có. Mong rằng tới đây, các nhà nghiên cứu sẽ giúp chúng tôi làm rõ hơn vấn đề thú vị và có ý nghĩa khoa học này".

Triển lãm diễn ra tại tầng 2, Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, cầu Giấy, Hà Nội, đến hết ngày 19/3/2017. Khoảng 500 hiện vật, tư liệu giới hạn theo chủ đề chính của Triển lãm đã được huy động để trưng bày, trong đó có khoảng 200 đầu báo đặt trong 12 tủ trưng bày, một số chương trình phát thanh truyền hình được phát qua màn hình máy tính, ti vi. Triển lãm gồm 3 phần, chia theo 3 giai đoạn gồm: trước năm 1945; từ 1945 - 1975; từ năm 1975 đến nay; nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên mặt báo, cũng như những tác phẩm báo chí do chính các nhà báo nữ viết.

Dự kiến trong tương lai, Triển lãm sẽ tiếp tục trưng bày nhiều đề tài chuyên sâu hơn như: Nhà báo nữ với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; Sức trẻ và bút lực của các cây bút nữ trẻ hôm nay; Những khó khăn, thách thức mang tính thời cuộc với nhà báo nữ thời hội nhập...

Trao đổi riêng với Báo Bưu điện Việt Nam, bà Trần Thị Kim Hoa còn chia sẻ ý tưởng sẽ số hóa các hiện vật để tổ chức Triển lãm số nhằm tạo điều kiện cho đông đảo công chúng hơn nữa biết tới Triển lãm đặc biệt tôn vinh nhà báo nữ và đề tài nữ trên báo chí này.

Bình Minh

(nguồn:Báo BĐVN 9/3/2017)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây